Nhiều nỗ lực để bình ổn giá trong cao điểm lễ, tết 2025
Mặt bằng giá vẫn trong kiểm soát
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 11/2024, nhìn chung nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, mặt bằng giá vẫn trong kiểm soát, trong đó, giá một số mặt hàng có biến động như: giá thịt lợn giảm nhẹ, giá LPG trong nước tăng và giá xăng dầu biến động giảm theo diễn biến của thế giới.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 11/2024 tăng 2,65% và so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,77%). Bình quân 11 tháng năm 2024, CPI tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,7%.
Ứng phó với diễn biến giá cả thị trường, các địa phương và các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp đang triển khai hàng loạt giải pháp để đảm bảo kiểm soát giá cả, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong dịp lễ tết Nguyên đán 2025.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân thường tăng mạnh, đặc biệt trong các dịp lễ Tết. Để đảm bảo nhu cầu mua sắm Tết cho người dân, ngay từ sớm, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng lượng hàng hóa lớn, đảm bảo đủ cung cấp cho người dân trong những ngày cao điểm của Tết. Dự kiến có khoảng 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tạp hóa sẽ tham gia cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.
Tại TPHCM, các cơ quan chức năng cũng đã làm việc với các doanh nghiệp lớn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng như thực hiện từ sớm các chương trình bình ổn giá...
Nhiều địa phương khác trên toàn quốc cũng đã chuẩn bị các phương án bình ổn giá cũng như chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa và chống buôn lậu, hàng giả...
Về phía doanh nghiệp, một trong những đơn vị tích cực tham gia công tác bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2025 là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Theo Phó Tổng giám đốc Đỗ Tuệ Tâm, nhu cầu tiêu dùng Tết năm nay dự kiến sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2024, do đó Hapro đã chủ động lên kế hoạch dự trữ hàng hóa từ tháng 10/2024.
Hapro cũng tham gia vào chương trình bình ổn giá với khoảng 20 mặt hàng, trong đó có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao. Để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận các mặt hàng bình ổn giá, Hapro phối hợp với các siêu thị và hệ thống phân phối để trưng bày sản phẩm một cách hợp lý, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi...
Tương tự, Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm Bonjour, với chuỗi siêu thị Bonjour Mart, đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa. Theo bà Rossie Lê, Chủ tịch HĐQT của Bonjour, công ty đã chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài và nhà vườn trong nước để đảm bảo nguồn cung cũng như cam kết không tăng giá đột ngột nhằm đảm bảo giá cả hợp lý cho người tiêu dùng trong suốt dịp lễ tết.
Tránh đầu cơ, giám sát chặt kê khai giá
Cùng với đó, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong công tác bình ổn giá là công tác tuyên truyền. Các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu rõ về công tác chuẩn bị nguồn hàng và các chương trình bình ổn giá. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tuyên truyền tránh đầu cơ và tích trữ hàng hóa không cần thiết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng giá cả tăng vọt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hóa một cách bình đẳng và tiết kiệm.
Tại Chỉ thị vừa ban hành về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán...
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo mới đây đã yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường; thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đồng thời sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu toàn diện các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá tại Luật Giá năm 2023 và các văn bản hướng dẫn; tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý giá thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định. Cùng với thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, giúp tăng nguồn cung, từ đó giảm áp lực tăng giá.
Với Bộ Tài chính, một trong những nhiệm vụ trong tâm được nêu ra là các cơ quan liên quan cần chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu để có phương án điều hành giá xăng dầu theo định kỳ; tiếp tục triển khai tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường... nhất là trong dịp Tết.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn