Nhiều quỹ đầu tư chưa thể chiến thắng VN-Index
Tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam hai tháng đầu năm, dòng tiền giao dịch tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn đến hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” trong nhiều phiên. Xu hướng phân hóa rõ nét, cổ phiếu dẫn đầu các nhóm ngành thu hút dòng tiền thị trường và đóng vai trò dẫn đắt nhịp tăng của VN-Index.
Trái với xu hướng đi lên mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa như năm ngoái, nhóm vốn hóa lớn tạm chiếm sóng. Hệ quả là, VN30-Index tăng 11,9% sau hai tháng, cao hơn 1% so với hiệu suất của VN-Index.
Theo quan sát, nhiều mã vốn hóa lớn đang tiến lên vùng đỉnh lịch sử. Tiêu biểu nhất là nhóm ngân hàng khi liên tiếp ghi nhận những cái tên trong nhóm thiết lập đỉnh giá mới kể từ khi niêm yết. Ở nhóm vốn hóa trung bình và lớn, nhóm công nghệ, chứng khoán, khu công nghiệp, bán lẻ cũng trở thành tâm điểm của thị trường.
Với việc nhóm cổ phiếu “vua” dẫn sóng trong giai đoạn gần đây, nhiều quỹ đầu tư hái quả ngọt bởi quyết định phân bổ tỷ trọng lớn danh mục. Quyết định nắm giữ tỷ trọng cao cổ phiếu ngân hàng của các quỹ đầu tư được giải thích trong nhiều bài viết trước đó khi đây là nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, chiếm tỷ trọng lớn, phù hợp với quy mô của các quỹ lớn.
Tuy có kết quả khởi sắc trong hai tháng đầu năm nay và không có tổ chức nào có hiệu suất âm, nhưng theo thống kê của người viết, việc có thể chiến thắng VN-Index không phải là nhiệm vụ dễ dàng đạt được. Số ít các quỹ có thể làm được, chủ yếu là những quỹ nội có quy mô danh mục dưới 100 triệu USD.
Pyn Elite Fund (Phần Lan) là cái tên nổi bật nhất trong nhóm quỹ lớn khi đạt tỷ suất sinh lợi 12,44% trong hai tháng, vượt trội so với mức tăng của hai chỉ số thị trường (VN30-Index, VN-Index). Đây là trạng thái đối lập với năm 2023 khi Pyn Elite Fund thường xuyên nằm trong nhóm quỹ có kết quả đầu tư tồi tệ nhất trên thị trường.
Kết quả đầu tư của Pyn thấp hơn ba quỹ nội khác nhưng sự chênh lệch không đáng kể. Theo ước tính, ba quỹ có tỷ suất lợi nhuận cao nhất hai tháng là BVFED (13,07%), SSI – SCA (12,86%), VCBF – BCF (12,8%).
Sự thay đổi thứ hạng lên vị trí dẫn đầu sau hai tháng là nhờ BVFED phân bổ tỷ trọng lớn vào nhiều cổ phiếu liêp tiếp lập đỉnh mới như ACB, FPT, QTP, PNJ. Ngoài ra, danh mục còn được bổ trợ bởi nhiều bluechip nhóm ngân hàng và thép như HPG, MBB, STB, TCB.
Danh sách các quỹ đầu tư đạt tỷ suất lợi nhuận hai con số sau hai tháng còn có nhiều quỹ khác như VinaWealth Equity Opportunity (VEOF), Vietnam Equity (UCITS) (VEF), Vietnam Holding, KIM Vietnam Growth Fund, BVPF.
Tại nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý, không có đơn vị nào có thể chiến thắng thị trường sau hai tháng. Vietnam Equity (UCITS) (VEF) có thành tích tốt nhất với tỷ suất 10,27%, thấp hơn mức tăng của VN-Index và VN30-Index.
Quỹ quy mô lớn nhất thị trường thuộc nhóm này là VEIL có tỷ suất lợi nhuận 7,5%. Tồi tệ hơn, CTBC Vietnam Equity Fund có tỷ suất 4,7%, thấp nhất nhóm quỹ có tài sản ròng trên 100 triệu USD.
Giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ chỉ của hai quỹ nội khác là DCDS và DCDE tăng lần lượt 9,84% và 9,61% so với cuối năm 2023.
Còn tại nhóm quỹ VinaCapital, sau khi thường xuyên duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, VESAF tạm lui xuống nửa dưới bảng xếp hạng sau hai tháng với hiệu suất 8,37%. Quỹ tỷ USD thuộc VinaCapital – VOF có hiệu suất 5,64%, nằm trong Top 3 quỹ có hiệu suất thấp nhất.
Không riêng hai nhóm quỹ nổi bật là Dragon Capital và VinaCapital, thống kê cho thấy nhiều quỹ đầu tư khác chưa thể chiến thắng thị trường chung như Jih Sun Vietnam Opportunity Fund, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund, JPMorgan Vietnam Opportunities hay nhóm quỹ do Quản lý quỹ Thiên Việt vận hành (TVGF3, TVGF4, TVGF5).
Xem thêm tại vietnambiz.vn