Nhiều quỹ đầu tư đang lỗ, chiến thắng VN-Index không dễ dàng?
Nhiều quỹ mở có hiệu suất âm dù VN-Index vượt 1.300 điểm
VN-Index đã tăng trưởng 4% từ đầu năm đến 28/3, song nhiều quỹ mở có hiệu suất thấp hơn, thậm chí âm.
Dữ liệu Fmarket - nền tảng đầu tư quỹ mở - cho thấy nhóm quỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất gồm VCAMDF giảm 4,29%, VLGF giảm 3,17%, UVEEF giảm 3,06%, VESAF giảm 2,73%, NTPPF giảm 2,53%. Một số quỹ khác như DCDE, PHVSF và VMEEF cũng giảm từ 1,6% đến 1,8%... Hiệu suất đi lùi này cho thấy áp lực điều chỉnh đáng kể đối với danh mục đầu tư của nhiều quỹ.
Ngược lại, một số trường hợp vẫn giữ được hiệu suất dương, dù mức tăng không quá nổi bật. MBVF dẫn đầu với mức tăng 4,12%, nhỉnh hơn VN-Index (4%). Các quỹ khác như BVFED (3,64%), TCGF (3,08%)... cũng duy trì tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự chênh lệch rõ rệt giữa nhóm quỹ tăng và nhóm quỹ giảm phản ánh sự phân hóa sâu sắc thời gian gần đây.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ Fmarket và các quỹ).
Sự phân hoá đến từ đâu?
Trong khi VN-Index tăng điểm, nhiều quỹ mở lại có mức tăng trưởng thấp hơn do ảnh hưởng của việc tập trung vào một số cổ phiếu nhất định. Điều này phản ánh sự tác động của chiến lược phân bổ danh mục đầu tư lên kết quả hoạt động của riêng từng quỹ.
Đa phần sự phân hoá về hiệu suất đến từ một số nhóm cổ phiếu chủ yếu, gồm “họ Vingroup”, "họ FPT" và ngân hàng.
Khác với trước đây 2-3 năm, một số quỹ mở đã hạ tỷ trọng hoặc không còn nắm giữ cổ phiếu VIC và VHM, ngoại trừ MBVF. Trong giai đoạn tháng 3, bộ đôi cổ phiếu “họ Vingroup” có sự hồi phục đáng kể, có thể do những thông tin tích cực như kế hoạch niêm yết Vinpearl. Cùng với đó, cổ phiếu VRE cũng đi lên, song giống VHM và VIC, các quỹ đã hạ tỷ trọng hoặc thoái vốn VRE.
Chiều ngược lại, cổ phiếu FPT đang nằm trong top đầu tỷ trọng của nhiều quỹ đầu tư, như MGF, BCF, VESAF, DCDS, DCDE, VMEEEP... đồng thời ghìm chân hiệu suất các quỹ này.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo hoạt động tháng 2 của một số quỹ mở).
Với VCAMDF, không sở hữu FPT, nhưng quỹ này nắm loạt cổ phiếu "họ FPT" gồm FRT, FOC, FOX - cũng là các mã giảm sâu thời gian qua - với tổng tỷ trọng danh mục lên đến gần 15% tại cuối tháng 2.

Tỷ trọng nắm giữ FRT, FOC, FOX của VCAMDF tại cuối tháng 2 (danh mục chưa bao gồm 10 cổ phiếu khác). (Nguồn:VCAMDF).
FPT ghi nhận giảm đáng kể suốt từ sau Tết Nguyên đán, thậm chí dốc hơn trong tháng 3, do nhiều yếu tố tác động. Tính từ đầu năm đến 28/3, thị giá đã giảm 19%.
Về cú giảm của FPT, áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại là một trong những nguyên nhân chính, khi đây chính là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất thị trường. Ngoài ra, sự suy yếu chung của nhóm cổ phiếu công nghệ toàn cầu, cùng với cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đối với mã cổ phiếu này.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS, đà tăng giá của cổ phiếu FPT trong những năm gần đây gắn chặt với xu hướng cổ phiếu công nghệ tại Mỹ, đặc biệt là nhóm Magnificent 7 do Nvidia dẫn dắt.
Tuy nhiên, cuối năm 2024 và đầu 2025, áp lực chốt lời xuất hiện khi định giá cổ phiếu công nghệ ở mức cao. FPT đã tăng khoảng 50% từ đầu năm 2023 nhưng gần đây rơi xuống dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200), báo hiệu rủi ro điều chỉnh. Ông Sơn cho rằng việc định giá cao với P/E gần 30 lần và P/B sát 7,5 lần, cùng áp lực bán ròng từ khối ngoại, có thể khiến đà giảm của cổ phiếu này tiếp diễn trong ngắn hạn.
Ngoài các yếu tố nội tại, Pyn Elite Fund cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro đối với nhóm cổ phiếu công nghệ, bao gồm FPT. Hiện định giá của một số cổ phiếu công nghệ đã trở nên cao hơn so với mức hợp lý, tạo ra nguy cơ bong bóng trên thị trường.
Quỹ Phần Lan cho rằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, các nhà đầu tư có xu hướng tái cơ cấu danh mục, dịch chuyển dòng tiền sang các nhóm ngành khác có tiềm năng hơn. Việc thoái vốn khỏi FPT cũng là một tín hiệu cho thấy quỹ Phần Lan đánh giá cổ phiếu công nghệ đang đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới.
Ở quan sát khác, ngân hàng là nhóm được quỹ mở ưa thích và thường chiếm tỷ trọng lớn. Đa phần đại diện cổ phiếu ngành ngân hàng đi lên trong 3 tháng đầu năm, như VCB, TCB, ACB, CTG, MBB, SHB, STB, song tỷ lệ khá phân hoá.
Trong khi đó, vẫn có các mã chỉ đi ngang như BID, VIB, VPB, thậm chí TPB giảm mạnh.

Tăng trưởng giá của một số cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến 28/3. (Nguồn: TradingView).
Điều này đã tạo sự phân hoá về hiệu suất riêng biệt của từng quỹ khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khác nhau.

Ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn tại một số quỹ mở tại cuối tháng 2. (Nguồn: X.N tổng hợp).
Triển vọng thị trường chứng khoán vẫn sáng cửa
Các quỹ mở hiện vẫn đang theo dõi sát diễn biến thị trường để có những điều chỉnh phù hợp. Việc điều chỉnh (nếu cần) danh mục và tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục có thể tiếp tục thời gian tới, phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến của từng ngành nghề và chiến lượng riêng biệt của từng quỹ.
Về tổng quan, đa số các nhà quản lý quỹ hay nhà phân tích trong nước đều có chung góc nhìn tích cực về thị trường chứng khoán năm nay.
Mặc dù thị trường chứng khoán có sự phân hóa rõ rệt, Pyn Elite Fund duy trì góc nhìn khả quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam. Quỹ cho rằng, so với nhiều nền kinh tế khác, Việt Nam vẫn đang nổi bật nhờ tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, dòng vốn FDI dồi dào và chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt.
Pyn Elite Fund đánh giá nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau những biến động ngắn hạn, đồng thời kỳ vọng vào sự cải thiện của thanh khoản thị trường, đặc biệt khi dòng tiền từ nhà đầu tư nội địa tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Nhà điều hành quỹ nhấn mạnh, mặc dù một số nhóm ngành đang chịu áp lực điều chỉnh, thị trường vẫn có những cơ hội lớn trong các lĩnh vực như tiêu dùng, ngân hàng, bất động sản và công nghệ.
Ngoài ra, chính sách thúc đẩy đầu tư công, các gói hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ, cùng với sự phát triển của thị trường vốn sẽ tiếp tục là những yếu tố nền tảng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Với mức định giá hiện tại, nhiều cổ phiếu vẫn còn dư địa tăng trưởng hấp dẫn trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán Việt Nam, dù đang có những điều chỉnh nhất định, vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.

P/E foward của VN-Index. (Nguồn: Pyn Elite Fund).
Bất chấp những biến động ngắn hạn, Dragon Capital vẫn giữ quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo nhà quản lý quỹ, các nhịp rung lắc chỉ mang tính nhất thời và chưa làm thay đổi xu hướng tăng trưởng dài hạn của thị trường. Dragon Capital nhận định rằng nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, với lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt và dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh.
Dragon Capital khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt là những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, lợi nhuận ổn định và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Giống Pyn Elite Fund, đơn vị quản lý quỹ nhấn mạnh nhiều cổ phiếu hiện đang ở vùng định giá hấp dẫn sau đợt điều chỉnh, tạo cơ hội tốt cho những nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn.
Ngoài ra, Dragon Capital cho rằng dòng tiền từ khối ngoại sẽ quay trở lại khi thị trường ổn định hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều cơ hội để nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Các yếu tố như chính sách hỗ trợ kinh tế, cải thiện thanh khoản và sự phục hồi của một số nhóm ngành trọng điểm sẽ là động lực giúp thị trường chứng khoán lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Xem thêm tại vietnambiz.vn