Nhiều rủi ro cho lạm phát gia tăng những tháng cuối năm 2024

Chứng khoán MBS bày tỏ lo ngại về lạm phát có thể tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước và 4,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá thịt lợn bật tăng do thiếu nguồn cung sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023 và những đợt nắng nóng xuất hiện đã đẩy giá điện lên cao và kéo CPI tăng trong tháng.

Bình quân 5 tháng năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2.7%. Diễn biến CPI đang cho thấy chiều hướng tăng kể từ đầu năm nay và đang tiến gần đến mức 4,5% mục tiêu chính phủ đề ra.

Trong tháng 5, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tác động lớn nhất đến chỉ số CPI trong tháng khi tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó nhóm lương thực tăng 14,8%. Giá vật liệu xây dựng và nhà ở thuê là tiếp tục đóng góp vào chỉ số tăng trưởng CPI trong tháng tăng 5,3% so với cùng kỳ trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu tăng tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu.

Áp lực tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu và nhiên liệu, từ đó tác động đến lạm phát trong nước. Đáng chú ý, chi phí vận tải cũng tăng 5,5% so với cùng kỳ, do giá dầu thế giới tăng (tăng 9,6% so với cùng kỳ), dẫn đến giá xăng dầu trong nước bị đẩy lên.

Đồng thời, chi phí vận chuyển và giá vé máy bay cũng tăng do nhu cầu du lịch phục hồi tác động không nhỏ đến lạm phát trong nước. Ngoài ra, việc tăng học phí tại một số tỉnh, thành phố đẩy chỉ số nhóm giáo dục tăng cao 8,1% so với cùng kỳ và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh đã góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng so với cùng kỳ.

Giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên liệu vật liệu đầu vào cùng với giá thuê nhà tăng cao đã đẩy chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng bình quân tăng 5,5% tác động lớn đến CPI bình quân 5 tháng tăng. Chỉ số nhóm giáo dục tiếp tục tăng (+8,7% svck) do một số địa phương thực hiện việc tăng học phí cũng đã góp phần làm CPI bình quân chung tăng. Ngược lại, giá điện thoại thế hệ cũ giảm khiến chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,4% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI bình quân.

MSB dự kiến CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở động ở mức 4,1% - 4,3%, mức lạm phát vẫn duy trì nằm trong kế hoạch đề ra của chính phủ là 4%-4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp.

Tuy nhiên, lạm phát trong nửa cuối năm sẽ chịu rủi ro bởi các yếu tố sau đây: Thứ nhất, giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (+8% svck) trong năm 2024 nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.

Thứ hai, tỷ giá vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí hàng hóa nhập khẩu. Thứ ba, việc tăng lương cơ bản dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 1 tháng 7 có thể tác động đến lạm phát trong nước.

Ngoài ra, MBS duy trì dự báo giá dầu trong năm 2024 sẽ dao động với biên độ hẹp quanh mức 85 USD/thùng khi OPEC+ đã quyết định duy trì cắt giảm sản lượng đến hết Q3/2024 và kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô từ Mỹ và Trung Quốc tăng tốt hơn so với đầu năm. Mặc dù OPEC+ đã đưa ra một số tín hiệu có thể nới lỏng nguồn cung kể từ Q4/2024, vẫn chưa có thông báo rõ ràng từ tổ chức về việc này và nguồn cung vẫn chưa thể tăng mạnh đến hết năm nay, do đó chưa thể ảnh hưởng quá tiêu cực đến giá dầu.

Xem thêm tại vneconomy.vn