“Nhiều tiền” như Digiworld (DGW): Mỗi năm sẽ bỏ tiền thực hiện 2-3 thương vụ thâu tóm
CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, thông qua kế hoạch doanh thu thuần 23.000 tỷ đồng (~1 tỷ USD) – tăng 22% và lãi ròng 490 tỷ đồng - tăng 38% so với con số thực hiện năm 2023.
Về cơ cấu doanh thu, mảng điện thoại di động dự kiến đóng góp 8.700 tỷ đồng - tăng 8% và mảng máy tính xách tay, máy tính bảng đóng góp 6.550 tỷ đồng - tăng 11%. Các hoạt động còn lại gồm thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng lần lượt tăng 60%, 44% và 78%.
Chủ tịch Đoàn Hồng Việt chia sẻ: "Tầm nhìn của DGW là công ty tỷ đô, không chỉ doanh thu lợi nhuận. Đó là động lực để DGW tiếp tục tăng trưởng. Lợi thế quy mô sẽ ngày càng được phát huy giúp DGW hoạt động hiệu quả hơn, thu hút nhân tài để kiến tạo tương lai".
QUÝ 1/2024 ƯỚC ĐẠT GẦN 5.000 TỶ DOANH THU, LÃI RÒNG 92 TỶ
Tại đại hội, ban lãnh đạo DGW ước tính Công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.985 tỷ đồng và lãi ròng 92 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng trưởng tương ứng 26% và 16% so với cùng kỳ. Trong đó, các mảng kinh doanh của DGW đều tăng trưởng về doanh thu.
Tăng mạnh nhất là mảng điện thoại thông minh (tăng 29%) và thiết bị văn phòng (tăng 48%). Mảng hàng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối còn chưa cao. Ngược lại, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng chỉ tăng trưởng nhẹ 4%, lên 1.139 tỷ đồng.
Kế hoạch tham vọng đưa ra trong bối cảnh DGW trải qua năm 2023 tương đối khó khăn. Trong đó, doanh thu Công ty giảm còn 18.817 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ còn phân nửa với 354 tỷ đồng.
Với kết quả trên, HĐQT DGW trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức 2023 với tổng tỷ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.
DGW cũng có kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), toàn bộ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Với giá bán 10.000 đồng/cp, DGW dự kiến thu về 20 tỷ đồng. Như vậy, thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu nêu trên, DGW dự kiến nâng vốn điều lệ lên gần 2.192 tỷ đồng.
Một nội dung cũng rất đáng chú ý khác cũng dự trình là việc thay đổi trụ sở chính từ số 195-197 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp.HCM sang địa chỉ mới là tầng 15, Tòa nhà Etown Central, số 11 Đoàn Văn Bơ, phường 12, quận 4, Tp.HCM. Theo DGW, với cơ cấu nhân sự và quy mô hoạt động ngày càng phát triển thì mặt bằng tại số 195-197 Nguyễn Thái Bình không còn đáp ứng được nhu cầu hoạt động của Công ty.
THẢO LUẬN: CHIẾN LƯỢC TRONG MẢNG FMCG
1. Chiến lược của DGW là đang dạng ngành hàng, giảm sự phụ thuộc doanh thu vào một ngành chính, nhưng hiện ICT vẫn đóng góp tỷ trọng khá cao trong cơ cấu doanh thu của DGW. Vậy kế hoạch sắp tới như thế nào?
Chủ tịch Đoàn Hồng Việt: Đóng góp của 2 mảng điện thoại và máy tính vẫn là chủ đạo, nhưng tỷ trọng giảm dần qua thời gian, chủ yếu do các mảng khác tăng trưởng mạnh hơn. Nhìn vào năm kế hoạch năm 2024 này, các mảng mới tăng trưởng đáng kể so với điện thoại, laptop.
Ngành hàng ICT đã vận hành khá nhiều năm qua, khá hoàn thiện các kênh và sẽ chỉ tiếp tục bổ sung thêm các sản phẩm để tận dụng tốt hơn kênh phân phối.
Với ngành hàng FMCG, DGW tập trung vào sản phẩm F&B, chăm sóc nhà ở (Home Care) và chăm sóc cá nhân (Personal Care).
2. Công ty có kế hoạch M&A trong tời gian tới hay không? Các công ty đã M&A có kế hoạch kinh doanh thế nào?
M&A là định hướng phát triển quan trọng. Trong đó, công thức thành công của DGW là cung cấp cho các công ty mục tiêu nền tảng back-end và giúp tối ưu hoạt động. Achison là một ví dụ điển hình, sau khi mua lại DGW đã giúp chi phí giảm xuống và mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng cho năm 2024, tăng trưởng 50%.
DGW luôn đặt mục tiêu sẽ có 2-3 thương vụ M&A mỗi năm, bởi việc M&A sẽ giúp DGW tiến nhanh hơn, tận dụng thế mạnh về hiểu biết thị trường của của DGW, cũng như nền tảng back-end vững chắc.
3. Đánh giá tác động của tỷ giá đến HĐKD Công ty?
Tổng Giám đốc Đặng Kiện Phương: Tỷ giá hiện là câu chuyện đang rất nóng với nhiều doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến ngoại tệ.
Chúng tôi với kinh nghiệm gần 30 năm kinh doanh thì DGW đã lên kế hoạch phòng hộ (hedging) tỷ giá tốt. Nhờ đó, tình hình tỷ giá không tác động đến hoạt động của DGW.
4. Chia sẻ về triển vọng mảng cầm đồ?
Ông Đoàn Hồng Việt: Cầm đồ chỉ là một trong các hoạt động của Vietmoney. Ngoài ra Vietmoney còn cung cấp tín dụng tiểu thương, phù hợp với định hướng phân phối FMCG của DCW. Vietmoney cũng có hệ thống để sẳn sàng kinh doanh máy tính, điện thoại di động đã qua sử dụng. Theo dữ liệu DGW có, thị trường này rất lớn, ví dụ như vòng đời iPhone có thể lên đến 6 năm, qua nhiều đời chủ, từ đó tạo ra số lượng giao dịch lớn.
5. Hiện tại đã có hợp tác nào với Viettel Construction (mã chứng khoán CTR) chưa?
Viettel Construction có nhiều hoạt động có thể kết hợp với DGW. Thực tế, DGW đã triển khai nhiều hoạt động kinh doanh với Viettel Construction.
6. Quy mô thị trường và kỳ vọng về mảng thiết bị bảo hộ, FMCG trong năm 2024?
Achison chuyên cung cấp các phụ kiện, thiết bị bảo hộ cho các nhà máy. Hiện công ty này chiếm tỷ trọng 10% thị trường, không quá cao. Chưa kể, khi so sánh với các thị trường rộng hơn nhất nhiều từ các nhãn hiệu của châu Á thì Achison chưa chạm đến. Và việc Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới sẽ tạo cơ hội tăng trưởng dài hạn với tốc độ cao ở mảng này.
7. Sản phẩm đã qua sử dụng gặp vấn đề về hóa đơn VAT, Công ty đánh giá thế nào về vấn đề này?
Đây chính là vấn đề lớn nhất của sản phẩm đã qua sử dụng. Hiện khoảng 99% thị trường nằm ở các cửa hàng nhỏ lẻ và không có thuế, trong khi DGW phải tuân thủ quy định pháp luật thì đó là bất lợi.
DGW vẫn tự tin vì có D-Care và vẫn có những tệp khách hàng nhất định sẳn sàng trả giá cao hơn để đảm bảo chất lượng.
8. Tại sao DGW đặt mục tiêu tăng trưởng đến 70% tại ngành hàng tiêu dùng trong năm 2024?
Ông Đặng Kiện Phương: Năm 2023, mảng FMCG đã tăng trưởng 100% so với cùng kỳ và DGW tự tin sẽ tăng trưởng thêm 70%.
Với FMCG, DGW xác định chiến lược rõ ràng trong các mảng là Home care, Pernonal care và F&B. DGW mới chỉ tham gia vào F&B trong năm 2023, trong khi mảng này rất lớn và DGW mới chỉ phân phối trên MT (kênh phân phối hiện đại), trong khi còn có rất nhiều dự địa tăng trưởng trên On-trade (các kênh phân phối dành cho tiêu dùng tại chỗ) và mở rộng phân phối cho FMCG.
9. Sau bao nhiêu năm nữa, DGW có thể đạt được mức lãi sau thuế như trước dịch Covid-19?
Tầm nhìn dài hạn của DGW là tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm, có năm DGW tăng trưởng lãi sau thuế 240%. Những năm gần đây với nhiều khó khăn, DGW ghi nhận sụt giảm. Nhưng khi nhìn lại kết quả thì vẫn có tăng trưởng so với mùa dịch và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng dài hạn của DGW. Quý cổ đông có thể tính thử dựa trên con số tăng trưởng 15-20% để biết đến năm bao nhiêu đạt được mức trước dịch.
10. Năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn có ESOP, tại sao?
Chương trinh ESOP đã gián đoạn từ năm trước và năm nay mới quay trở lại, đây là nguồn động viên to lớn với đội ngũ nhân sự. DGW không ngại đặt kế hoạch cao và thực tế kết quả có tốt hơn so với các công ty cùng ngành đanh niêm yết. Do đó, DGW có kế hoạch phát hành ESOP với chỉ 50% số lượng những năm làm ăn thuận lợi.
11. Mảng dược của DGW có lộ trình doanh thu cho từng năm hay không?
Mảng dược có sự tăng trưởng nhất định nhưng còn nhiều rào cản và chưa đạt được như kỳ vọng của DGW.
12. Mảng nào sẽ bù lại tăng trưởng cho mảng ICT đang chậm lại?
Nhìn về trung hạn mảng ICT vẫn có cơ hội tăng trưởng một chữ số. Dẫn chứng các chỉ số giữa thị trường Việt Nam và Thái Lan, như tổng thị trường latop là bằng nhau nhưng số dân Việt Nam gấp rưỡi Thái Lan, đồng thời nền kinh tế Việt Nam bé hơn nhưng tăng trưởng nhanh hơn. Do đó, khi người dân có đủ điều kiện, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh thì mảng này sẽ tăng trưởng.
Tầm nhìn đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của mảng điện thoại, máy tính xách tay có thể sụt giảm về còn 65%, mặc dù vẫn đang tăng trưởng.
13. Chuỗi kinh doanh truyền thống đang gặp khó khăn, trong khi kênh online đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ có ảnh hưởng gì đến DGW không? DGW có kế hoạch phân phối đến các nhà bán lẻ nhỏ hơn không?
Ngoài những chuỗi bán lẻ lớn thì hiện tại DGW cũng đang bán cho các nhà bán lẻ nhỏ hơn, cũng như bán cho các online platform. Ngoài ra còn vận hành mảng kinh doanh D2C (trực tiếp đến người tiêu dùng) - đại diện cho hãng sản xuất mở các cửa hàng chính hãng trên các online platform và phục vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Online DGW không phải chưa làm mà đã làm rất nhiều và làm từ lâu.
14. Chia sẻ thêm về đóng góp doanh thu, lợi nhuận của các mảng mới M&A vào kết quả kinh doanh 2024?
Với Achison, kế hoạch đóng góp doanh thu 1.000 tỷ và lãi sau thuế 50 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận cao hơn DGW. Còn Vietmoney mới chỉ hòa vốn trên cấp độ cửa hàng.
15. Năm 2024 rồi mà vẫn có nhà đầu tư nhầm lẫn DGW là đối thủ của giữa MWG và FRT, ban lãnh đạo chia sẻ lại về sự khác biệt này?
DGW là nhà kiến tạo thị trường, giúp các hãng tạo dựng nhu cầu thị trường và phục vụ nhu cầu đó, hoạt động trải rộng từ khâu nghiên cứu thị trường đến bảo hành. Khách hàng của DGW là các nhà bán lẻ từ online đến truyền thống, từ lớn đến nhỏ.
16. Lợi nhuận ước tính của Vietmoney trong năm 2024?
Vietmoney mang về doanh thu dịch vụ khá thấp, đồng thời chưa có lợi nhuận, nên chưa hạch toán doanh thu vào nhóm cụ thể nào. Còn hoạt động kinh doanh hàng qua sử dụng mới ở diện nghiên cứu, chưa phát sinh doanh thu đáng kể.
Trong tương lai khi Vietmoney có nhiều cửa hàng hơn, doanh thu lớn hơn thì sẽ có báo cáo riêng dành cho Vietmoney.
Xem thêm tại cafef.vn