Nhìn lại con sóng tăng giá 500% và 900% chưa đầy 3 năm của cổ phiếu CMS
Thủ đoạn của đội lái giá cổ phiếu CMS
Công an Thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với nhóm đối tượng gồm 7 người có hành vi thao túng thị trường chứng khoán với cổ phiếu CMS của CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam.
Theo cáo buộc, ông Trần Bình Minh và Nguyễn Hoàng Thi có vai trò cầm đầu. Ngoài ra, nhóm còn có các đối tượng khác như Phùng Tiến Thành, Hà Đức Đạt, Trần Ngọc Sơn, Trần Bá Tuấn và Lê Xuân Cao.
Về thủ đoạn, ông Trần Bình Minh bị cáo buộc đã mua gom mã CMS với giá thấp để đẩy giá lên và bán kiếm lời. Ông Nguyễn Hoàng Thi và 5 đối tượng còn lại sử dụng hội nhóm trên Zalo, Telegram để trao đổi về cổ phiếu sau đó hô hào, đưa ra ý kiến về nhiều mã cổ phiếu trong đó có mã CMS nhằm định hướng quyết định mua bán của nhà đầu tư, nhằm ảnh hưởng đến diễn biến giá.
Theo kết quả điều tra, ông Trần Bình Minh lập nhóm chat nội bộ trên ứng dụng Zalo và Telegram để truyền đạt nội dung cụ thể cho từng người đăng tải trên hội nhóm, đồng thời chỉ đạo Admin hoặc phó nhóm đẩy thành viên đưa thông tin bất lợi, tiêu cực gây cản trở quá trình đẩy giá cổ phiếu CMS.
Khi cổ phiếu CMS đạt đỉnh vào tháng 9/2023, nhóm này đã bán ra cổ phiếu và thu lời bất chính hàng tỷ đồng. Cụ thể, theo xác định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ tháng 5/2023 đến tháng 10/2023, nhóm này đã câu kết, lôi kéo để thao túng mã CMS, bán thu lời hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân ông Trần Bình Minh thu lời 5,5 tỷ đồng (tạm chính, chưa bao gồm thuế, phí).
Cổ phiếu CMS tăng 500% giai đoạn bị thao túng giá
Quan sát diễn biến giá cổ phiếu CMS cho thấy mã này có thanh khoản rất thấp và dao động vùng giá 5.000 – 7.000 đồng/cp kể từ đầu năm 2023 cho đến cuối tháng 5. Khối lượng giao dịch mỗi phiên đạt từ vài nghìn cho đến dưới 50.000 cp, không ít phiên chỉ có vài trăm đơn vị được trao tay.
Kể từ đầu tháng 6/2023, cổ phiếu CMS bắt đầu nổi sóng, có giao đoạn tăng trần liên tiếp. Đi kèm với đó, thanh khoản cũng dần cải thiện, những phiên khớp lệnh hàng chục nghìn đơn vị xuất hiện với tần suất dày hơn.
Thanh khoản tăng rõ nét nhất bắt đầu từ cuối tháng 7/2023 với khối lượng giao dịch được đẩy lên hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên. Sau khi vượt mệnh giá (10.000 đồng/cp), cổ phiếu CMS tăng mạnh.
Đơn cử, từ ngày 29/8/2023 đến 8/9/2023 (tức sau 7 phiên), thị giá mã này tăng từ 12.000 đồng/cp lên 19.900 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ tăng gần 66%. Trong đó có 4/7 phiên khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.
Trong 6 phiên giao dịch (20 – 27/9/2023), cổ phiếu CMS vươn lên vùng đỉnh mới, quanh 30.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 500% từ đáy. Theo thống kê, 5/7 phiên cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh đạt trên 1 triệu đơn vị. Đỉnh điểm phiên 21/9/2023 ghi nhận gần 1,7 triệu cp được trao tay.
Với lượng cổ phiếu lưu thành thấp (25,45 triệu cp), trong khi nhóm cổ đông lớn và nội bộ nắm giữ hơn 8 triệu đơn vị, do đó thanh khoản trên tương ứng khoảng 10% lượng cổ phần trôi nổi ngoài thị trường của công ty.
Lãnh đạo CMH từng cảnh báo về nhịp tăng nóng của cổ phiếu
Khi giá cổ phiếu CMS tăng trần 5 phiên liên tiếp (31/8 – 8/9/2023), Tập đoàn CMH Việt Nam từng có công văn giải trình rằng, giá cổ phiếu tăng/giảm hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, cũng như thị hiếu và nhu cầu của nhà đầu tư.
Công ty cho biết các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, không có biến động gì bất thường và không có bất kỳ thông tin cũng như tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường.
Thời điểm đó, nội bộ công ty không thực hiện mua/bán. Giao dịch lớn duy nhất đến từ ông Phạm Văn Xuyên khi cổ đông này đã bán 500.000 cp trong hai phiên 31/8 và 5/9, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,86% xuống còn 5,89%.
Khi giá cổ phiếu CMS diễn biến bất thường, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn CMH Việt Nam từng trả lời báo Dân Việt, rằng các thành viên trong hội đồng quản trị CMS là những người tâm huyết với công ty thì không tham gia mua bán và cũng không quan tâm giá thị trường cao hay thấp mà chú ý hơn vào hoạt động thực chất của công ty.
“Thậm trí thấy giá cổ phiếu CMS cao quá, các thanh viên hội đồng quản trị còn lo lắng sợ rủi ro xảy đến với các cổ đông nhỏ lẻ ít kinh nghiệm”, ông Hưởng trả lời phỏng vấn.
Với nhận định như trên, Chủ tịch sáng lập CMH Việt Ma khuyên nhà đầu tư: “Với CMS, nếu tôi là nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít tiền thì tôi chưa mua vào thời điểm này. Vì như tôi đã nói ở trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của CMS đang rất bình thường, không có biến động lớn, nhưng giá chứng khoán CMS có vẻ bất thường”.
Cổ phiếu CMS có nhịp tăng gấp 10 lần trước khi cựu Chủ tịch LPBank tham gia công ty
Thông tin về CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam, công ty này niêm yết từ tháng 11/2010 vói tên gọi CTCP Cavico Xây dựng Nhân lực và Dịch vụ. Giai đoạn cuối năm 2021, công ty xuất hiện nhóm cổ đông mới.
Trong khoảng thời gian từ ngày 10 – 13/12/2021, Chủ tịch công ty là ông Phạm Minh Phúc đã bán ra 3,7 triệu cp, giảm sở hữu xuống 19,13% vốn điều lệ. Bên mua vào là ông Nguyễn Đức Hưởng, cựu Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (tên gọi cũ của Ngân hàng Lộc Phát – LPBank). Tháng 12/2021, ông Hưởng được bầu vào Hội đồng Quản trị theo đề cử của ông Phúc tại đại hội cổ đông bất thường.
Cũng tại đại hội cổ đông bất thường 2021, công ty thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 34,4 triệu cp cho 12 nhà đầu tư. Trong đó, ông Nguyễn Đức Hưởng đăng ký mua 17,2 triệu cp và ông Nguyễn Hoàng Duy (con trai ông Hưởng) đăng ký mua 300.000 cp.
Tuy nhiên, kết thúc đợt chào bán, ông Hưởng và con trai, cùng 6 nhà đầu tư khác không mua như đăng ký. CMH chỉ bán được 8,25 triệu cp cho 7 nhà đầu tư.
Trước thời điểm ông Nguyễn Đức Hưởng gia nhập, cổ phiếu CMS từng có nhịp tăng từ 4.000 đồng/cp lên quanh 40.000 đồng/cp trong quãng thời gian chưa đầy 2 tháng (tháng 10 - 12/2021).
Đi cùng với đà tăng giá, thanh khoản cổ phiếu CMS tăng vọt, nhiều phiên khớp lệnh hàng triệu đơn vị. Sau khi đạt đỉnh 40.300 đồng/cp vào ngày 15/12/2021. Sau đó mã này lao dốc trở lại vùng đáy lịch sử và bắt đầu nhịp tăng mới khi nhóm thao túng xuất hiện như vừa nêu.
Xem thêm tại vietnambiz.vn