Nhìn thấy đà hồi phục của doanh nghiệp thép
Nhiều doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thành phẩm đạt 14,427 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 14,274 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu đạt 4,216 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, từ đầu năm đến nay, ngành thép được hưởng lợi nhờ tiêu thụ thép nội địa khả quan do bất động sản hồi phục, số lượng các dự án cấp phép mới và đang triển khai có xu hướng cải thiện theo từng quý. Bên cạnh đó, tăng trưởng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiếm 16% tổng nhu cầu thép cả nước, nhất là khi Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiều công trình trọng điểm.
Ước tính lợi nhuận quý 2/2024 các doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên sàn chứng khoán của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, lợi nhuận quý 2/2024 tăng cao nhất tới 437% so với cùng kỳ nhờ biên lợi nhuận mở rộng, do giá đầu vào giảm mạnh hơn so với giá bán, doanh thu quý 2/2024 cũng tăng mạnh do khối lượng bán hàng tăng khi so với mức nền thấp của cùng kỳ năm trước. |
Theo báo cáo tài chính, lãi cao nhất tiếp tục là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát khi đạt lãi ròng trong quý 2/2024 gần 3.320 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ - quý lãi cao nhất kể từ quý 3/2022, chủ yếu đến từ doanh thu tăng mạnh, biên lợi nhuận cải thiện và chi phí tài chính đi xuống. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.189 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, lợi nhuận 6 tháng tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước khi đạt 460 tỷ đồng. Cũng có mức tăng trưởng ấn tượng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen khi quý 3 niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/4/2024 đến 30/6/2024) đạt doanh thu 10.840 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái; giúp lợi nhuận sau thuế đạt hơn 273 tỷ đồng, tăng mạnh gần 20 lần so với mức hơn 14 tỷ đồng đạt được của cùng kỳ niên độ tài chính trước. Đặc biệt, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) đã “chuyển mình” từ lỗ thành lãi, từ mức lợi nhuận âm 281 tỷ đồng của 6 tháng năm 2023 lên lãi gần 176 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2024 nhờ doanh thu tăng lên mà chi phí tài chính giảm xuống.
Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn có sự phân hoá tại các công ty thép có quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn Công ty Thép Tấm lá Thống nhất lãi sau thuế 6 tháng năm 2024 đạt gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023, công ty lỗ gần 3 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 26 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức hơn 23 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, nhờ kết quả khả quan của quý 1/2024 nên sau 6 tháng đầu năm 2024, SMC vẫn có lãi sau thuế 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước lỗ 408 tỷ đồng. Nhưng kết quả này của SMC chủ yếu nhờ thanh lý tài sản trong quý 2/2024 và bán khoản đầu tư tài chính trong quý 1/2024, không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp thép chuyển từ lãi thành lỗ. Tại Công ty Cổ phần Thép Tiến Lên, cùng kỳ năm 2023 ghi nhận lãi sau thuế hơn 11,3 tỷ đồng, nhưng qua nửa đầu năm 2024 lại thua lỗ tới hơn 152 tỷ đồng dù doanh thu bán hàng vẫn tăng nhưng lại chịu ảnh hưởng tiêu cực do chi phí tài chính tăng mạnh và các công ty liên doanh, liên kết báo lỗ hơn 17 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tiếp tục báo lỗ trong quý 2 với mức lỗ 95 triệu đồng do tiêu thụ thép gặp khó khăn từ thị trường, giá bán thép ở mức thấp…
Thách thức từ phòng vệ thương mại
Theo nhiều đánh giá, tính chung cả năm 2024, lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện. VSA dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8% khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi.
Trong diễn biến mới nhất, cuối tháng 7/2024, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là quyết định có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước nhưng lại gây bất lợi cho nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào HRC nhập khẩu. Chẳng hạn, Hoà Phát đang dồn lực để đưa Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động với kỳ vọng sản xuất 5,6 triệu tấn thép HRC mỗi năm, nâng tổng năng lực sản xuất thép thô của Hoà Phát lên trên 14 triệu tấn/năm.
Cũng thời điểm này, ngành thép Việt Nam lại phải đối mặt với nguy cơ Ủy ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam…
Thách thức lớn đối với ngành thép Việt Nam là tình trạng dư thừa thép HRC do gia tăng nhập khẩu cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại đang được tăng cường tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những tính toán và chiến lược kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là phải tuân thủ các quy định và chủ động phối hợp trong các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn