NHNN đang sửa một Thông tư quan trọng có lợi với bất động sản?
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2023 sức cầu nền kinh tế ở mức yếu và mặt bằng lãi suất vẫn còn cao, do đó mức tăng trưởng tín dụng 11-13% là phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ vốn.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng 15% của năm 2024 nhưng theo vị này, điều này không có nghĩa sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.
Cụ thể, tín dụng được bơm ra nền kinh tế phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và người dân đến đâu, họ có nhu cầu vay hay không. Thứ hai là khả năng giữ mặt bằng lãi suất như thế nào, sẽ đi ngang hay giảm tiếp. Thứ ba là khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của hệ thống ngân hàng.
“Bên cạnh đó còn phải tính đến yếu tố đầu ra, đi vay tiền về để làm gì, đó mới là vấn đề quan trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tính toán, không nên 'đếm cua trong lỗ' và cho rằng 15% tương đương với 2 triệu tỷ đồng", ông Lực nói.
Chuyên gia cho biết thêm, tín dụng cho bất động sản thường chiếm 1/5 tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, cho vay mua nhà, sửa nhà chiếm 2/3 nhưng năm nay có xu hướng giảm vì người dân gần như không vay tiền cho mục đích này dù có nhiều giải pháp để kích cầu. Kỳ vọng sang năm 2024, khi lãi suất cho vay giảm tiếp, thị trường bất động sản dần phục hồi và người dân sẽ vay tiền mua nhà, sửa chữa nhà nhiều hơn, lúc này sức cầu mới bật tăng.
“Hiện nay, tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm khoảng 14% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và vẫn còn nhiều dư địa để cho vay, bởi tỷ trọng này ở các nước mới nổi thường chiếm 20-25% tổng dư nợ tín dụng”, vị này nói.
TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, Thông tư 06 sửa đổi sẽ được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong thời gian tới, theo hướng cởi mở hơn, cơi nới hơn, giúp cho việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản thuận lợi hơn, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Với Thông tư 22, trong đó có quy định siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi vì sợ ngân hàng thiếu vốn trung và dài hạn để cho vay.
“Hiện nay tỷ lệ này đã giảm về 30% nhưng tính bình quân cả hệ thống ngân hàng hiện tỷ lệ này mới chỉ khoảng 26%, tức chưa hết 30%. Tất nhiên có một số ngân hàng tỷ lệ này ở mức rất cao, sẽ phải điều chỉnh. Về mặt bằng chung tôi thấy vẫn ổn, không nên quá cấp bách trong việc sửa Thông tư này”, chuyên gia nhận định.
>> Quy định 'không thể thực hiện được', đề nghị sửa đổi Thông tư 06
Xem thêm tại nguoiquansat.vn