NHNN điều chỉnh room tín dụng: Nhà băng nào hưởng lợi?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị", NHNN nhấn mạnh.
Trước đó, từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD tương ứng với mức tăng trưởng chung khoảng 15%. Cách cấp hạn mức tín dụng này có sự khác biệt với các năm trước - vốn được NHNN chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.
Theo lãnh đạo NHNN, sự thay đổi này mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
"Nếu như những năm trước đây chúng ta xem đó là những khoản cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt chỉ tiêu. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Do đó, việc thay đổi cơ là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tại Họp báo đầu năm 2024.
Dù vậy, đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, thậm chí có TCTD tăng trưởng âm.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay thì hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng trong năm 2024. Trong 8 tháng đầu năm, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng.
Do đó, hệ thống sẽ cần đẩy ra lượng vốn còn lại hơn 1,1 triệu tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra - mức tăng trưởng cao gấp đôi so với bình quân 8 tháng đầu năm. Đây làm một thách thức không hề nhỏ đối với hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng nào sẽ được tăng room tín dụng
Động thái nới room tín dụng của NHNN được đánh giá là kịp thời nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng đã gần hết hạn mức có thể chủ động mở rộng dư nợ cho vay, qua đó đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%.
Số liệu được công bố mới đây cho thấy nhiều ngân hàng đã đạt được mức tăng trưởng cho vay cao hơn nhiều bình quân chung cả ngành trong nửa đầu năm, như LPBank (15,2%), ACB (12,8%), HDBank (12,5%), Techcombank (11,6%), MB (10,3%), VPBank (10,2%),...Ngược lại, nhóm các ngân hàng tăng trưởng thấp hơn mặt bằng chung, như Agribank (2,6%), BIDV (5,9%), TPBank (4,0%), VIB (4,7%), SHB (5,2%),...
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán VPBanks đánh giá, chính sách này sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần. Do đó, chính sách lãi suất sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể sẽ phải đánh đổi bằng thu nhập lãi thuần giảm nhẹ.
Theo VPBanks, các ngân hàng đã hoàn thành mức 80% trở lên (như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank) sẽ được tăng lên mức 18 - 18,7% room tín dụng. Nếu các ngân hàng đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành, GDP đạt 6%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 14,83%.
Trong dòng chảy thông tin liên quan, Tổng giám đốc MB ông Phạm Như Ánh cho biết, đến ngày 28/8, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 10,44%, đạt 65,7% chỉ tiêu tăng trưởng được NHNN giao đầu năm. Theo văn bản điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của NHNN, MB dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm 14.000 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo ACB cũng cho biết ngân hàng này đã được tăng room tín dụng trong đợt vừa qua.
Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm nhiều khả năng sẽ bị giảm hạn mức.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng nào không cho vay được thì điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác.
"Sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại", ông Tú nói tại hội nghị.
Theo ông Tú, NHNN "sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới".
Xem thêm tại cafef.vn