NHNN dừng đấu thầu vàng: Phương án thay thế từ ngày 3/6 sẽ là gì?

Theo NHNN, động thái này là nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới

Trước đó, NHNN đã thực hiện đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, thu hẹp chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước. Tính đến ngày 23/05/2024, NHNN đã cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng (khoảng 1,8 tấn).

Giải pháp khả dĩ trong ngắn hạn là cho phép nhập khẩu vàng

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn số liệu gần nhất do NHNN công bố và dữ liệu ước tính của CEIC cho biết, tổng dự trữ vàng Việt Nam ước khoảng 10 tấn. Do đó, nếu NHNN không trực tiếp nhập khẩu vàng về để tổ chức đấu thầu thì nguồn cung có thể đấu thầu sẽ rất hạn hẹp.

Theo VDSC, việc giá trúng thầu của các đơn vị tham gia thường cao hơn rất nhiều so với giá mua vào trên thị trường của các cơ sở kinh doanh vàng SJC dẫn đến rủi ro trong việc tham gia đấu thầu của các đơn vị này là khá lớn. Đồng thời, mặc dù lượng vàng trúng thầu tăng dần qua các phiên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng tăng so với trước khi NHNN tổ chức đấu thầu. Những nguyên nhân trên có lẽ là lý do khiến NHNN phải tìm kiếm giải pháp thay thế.

VDSC cho rằng giải pháp khả dĩ trong ngắn hạn là cho phép nhập khẩu vàng để các cơ sở kinh doanh tự cân đối cung - cầu. Tuy nhiên, vì mối lo tỷ giá vẫn đang hiện hữu, NHNN có thể sẽ quy định hạn ngạch nhập khẩu hoặc thử nghiệm ở một số đầu mối kinh doanh vàng lớn.

Theo nhóm phân tích, với mục tiêu không khuyến khích kinh doanh, đầu cơ vàng miếng và giữ ổn định vĩ mô thì giải pháp đấu thầu vàng hay cho phép nhập khẩu vàng miếng chỉ là giải pháp tạm thời. Trong 10 năm qua, NHNN đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng và khuôn khổ pháp lý đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân một như một kênh đầu tư và cất giữ tài sản.

"Chúng tôi cho rằng biến động thị trường vàng năm 2024 sẽ là một cơ hội để rút kinh nghiệm trong việc quản lý và điều tiết thị trường vàng cho các giai đoạn tiếp theo", VDSC cho biết.

Cách "trị" chênh lệch giá vàng hữu hiệu

Trong Báo cáo tư vấn chính sách "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024" công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho biết, trong giai đoạn 2014-2015, sau khi bán 74 tấn vàng, chênh lệch giá vàng vẫn còn ở mức cao, bằng 10% -20% giá vàng thế giới. Giai đoạn này giá vàng thế giới giảm 12% nhưng giá trong nước chỉ giảm 5,7%.

Thực tế trên cho thấy là dù đã phải nhập một lượng vàng rất lớn, mục tiêu bình ổn và giảm chênh lệch giá vàng cũng khó đạt được trong một sớm một chiều. Điều này khẳng định sự cần thiết phải tính đến các phương án khác để giảm chênh lệch giá vàng chứ không đơn giản là hy sinh dự trữ để mua vàng về bán.

Dựa trên phân tích biến động trong quá khứ, VEPR cho rằng diễn biến giá vàng trong nước và chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu, việc "trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết.

Trong tình hình hiện nay, theo VEPR, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

Xem thêm tại cafef.vn