NHNN yêu cầu công khai lãi suất cho vay, các ngân hàng đồng loạt phản ứng
Theo thống kê mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 1, lãi suất tiền gửi của các giao dịch phát sinh mới đã giảm 0,15%/năm trong khi lãi suất cho vay giảm 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN đang tiếp tục điều hành lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Đồng thời, Phó thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục để tiếp tục có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
“Việc giảm lãi suất là quyền của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng không thể để lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra chênh lệch quá lớn, nhất là khi lãi suất đầu vào đã giảm sâu”, Phó thống đốc khẳng định.
Cũng tại Hội nghị này, đại diện NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố lãi suất cho vay. “Công bố lãi suất cho vay bình quân thì có gì mà ngại, mà sợ khó khăn. Đây là lãi suất cho vay bình quân chứ không phải cho vay theo từng đối tượng, từng doanh nghiệp, khách hàng”, ông Tú nói.
Theo đại diện NHNN, việc công bố lãi suất cho vay là để tạo sự cạnh tranh bình đẳng. “Trong giai đoạn 2022 – 2023, có những ngân hàng cho vay với lãi suất cao vời vợi, khi hỏi thì các đồng chí nói đủ lý do”, ông nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, việc công bố lãi suất cho vay vẫn còn nhiều vướng mắc.
Lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cho biết, việc công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với ngân hàng thì không vấn đề gì bởi mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra không lớn. Tuy nhiên, đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, đại diện LPBank e ngại sự phản ứng của khách hàng khi hết thời gian ưu đãi.
“Nếu ngân hàng áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân của cả ngân hàng thì các khách hàng vay cũ sẽ phản ứng tiếp tục đòi giảm lãi suất mà họ đang phải chấp nhận trả, mặc dù có thể trước đây 12 tháng họ đã được ưu đãi. Đây là khó khăn với ngân hàng khi công bố lãi suất cho vay bình quân này”, ông nói.
Trong khi đó, đại diện Techcombank đề nghị chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân. Theo lý giải của vị này, thực tế hoạt động cho vay doanh nghiệp còn phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, từng mức độ rủi ro,… Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập. Đại diện Techcombank đề nghị chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân.
Đại diện TPBank cũng cho rằng không hợp lý nếu đưa ra một mức lãi suất chung vì hoạt động cho vay, việc lãi suất cho vay quyết định bởi nhiều yếu tố từ quy mô khách hàng, dịch vụ khách hàng, lợi ích khách hàng, tính chất rủi ro, có tài sản bảo đảm hay không.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết thời gian tới, sau khi NHNN tổng hợp các ý kiến từ các tổ chức tín dụng, NHNN dự kiến sẽ lập một website, tại đó các tổ chức tín dụng gửi đường link việc công bố lãi suất bình quân liên kết với website của NHNN, từ đó bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, NHNN không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố chi tiết các nhóm khách hàng, các phân đoạn khách hàng, các chương trình tín dụng. Thẩm quyền và trách nhiệm công bố lãi suất cho vay bình quân hoàn toàn là của các NHNN.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn