Nhọc nhằn ''game'' địa ốc của đại gia vàng Nguyễn Tiến Trung, nhân tố bí ẩn đứng sau Thành An Tower
Đại gia vàng
Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình (viết tắt là Công ty Ba Đình) có trụ sở tại số 455 đường Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và khai thác khoáng sản từ đầu những năm 2000, tới nay gần 24 năm tuổi.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Trung (SN 1971), trú tại Hà Nội. Ông là cổ đông lớn nhất của Công ty Ba Đình với tỷ lệ sở hữu chi phối. Vợ ông, bà Dương Thị Thu Huyền (SN 1976) cũng có thời gian tham gia điều hành ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau đó bà rút sạch vốn và trở thành "cựu cổ đông" tương tự ông Nguyễn Quốc Vinh (SN 1974).
Giống như slogan "Không ngừng mở rộng, không ngừng vươn xa" được treo trên website Công ty Ba Đình, ông Nguyễn Tiến Trung sớm đã mang chí lớn, xác định "sân chơi" không chỉ gói gọn trong nước mà thâm nhập sâu trong thị trường quốc tế mới là sứ mệnh họ theo đuổi.
Tấm giấy phép cho đầu tư ra nước ngoài từ những hồi còn "chân ướt chân ráo" trên thương trường là cơ sở tiên quyết để doanh nghiệp của ông Nguyễn Tiến Trung được xây dựng một dự án khai thác khoáng sản làm ra tên tuổi của họ trên đất Lào. Đó là dự án khai thác và chế biến vàng, các khoáng sản đi kèm tại mỏ Sakai (Thủ đô Viêng Chăn), có quy mô 285ha với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD (tương đương trên 633 tỷ đồng theo tỷ giá hiện thời).
Tiếp nối thành công của mỏ vàng Sakai, Công ty Ba Đình vượt sang tận phía bên kia châu Phi, tiếp tục cho ra đời dự án khai thác, chế biến vàng và kim loại màu tại quận Mubende cách 140km về phía tây của Thành phố Kampala của Uganda. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới 50 triệu USD, theo giới thiệu của doanh nghiệp.
Trở lại trong nước, Công ty Ba Đình là tác giả đứng sau 4 dự án khoáng sản vô cùng đình đám, bao gồm 2 dự án khai thác, chế biến quặng vàng ở xã A Vao, xã A Bung, huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị; 1 mỏ vàng gốc ở xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và 1 mỏ đá vôi trắng tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Tiến Trung còn tiếp tục cho khởi công và đưa vào hoạt động hai nhà máy luyện đồng, than cốc và chế biến luyện kim, kim loại màu ở Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái, thuộc địa phận xã Văn Tiến, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Với danh mục dự án đồ sộ, nhiều người đồn đoán về năng lực kinh doanh và tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Tiến Trung không phải dạng vừa nếu không muốn nói khó ai bì kịp. Thực hư tiềm lực đại gia vàng ra sao là một ẩn số, chỉ biết sau này ông Trung đã không che giấu tham vọng chinh phục thị trường bất động sản Thủ đô bằng cách gieo mầm cho hàng loạt dự án nhà ở có quy mô tầm cỡ, sở hữu vị trí đắc địa rất được nhà đầu tư săn đón.
Vết trượt dài
Dẫu vậy, không nhận được sự thuận lợi như ở lĩnh vực khai thác vàng, những kinh nghiệm nhất định khi tham gia đầu tư xây dựng một số dự án chung cư lớn như Haicatex 93 Lĩnh Nam, New Horizon City 87 Lĩnh Nam, Thượng Đình Residence 277 Nguyễn Trãi... là chưa đủ để đại gia vàng Nguyễn Tiến Trung tránh phạm những sai lầm gây ra vết trượt kéo dài cả thập kỷ cho doanh nghiệp.
Điển hình là dự án Khu khách sạn, nhà ở, văn phòng cho thuê Tòa nhà hỗn hợp Hattoco tại số 110 Trần Phú, quận Hà Đông (dự án Hattoco Hà Đông), do Công ty Ba Đình làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, Hattoco Hà Đông được khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, diện tích khu đất gần 5.000m2.
Sau 15 năm Hattoco Hà Đông vẫn dang dở, là khối bê tông nguội lạnh, thô ráp đã và đang tiếp tục làm xấu bộ mặt của quận đông dân nhất nhì thành phố. Sắt thép hoen gỉ, công trường vắng bóng công nhân, nhưng điều đáng nói hơn là việc chủ đầu tư đã không ngần ngại thu tiền của khách hàng từ nhiều năm về trước, bình quân từ 50 - 70% giá trị căn hộ.
Hứa hẹn sẽ bàn giao nhà trong năm 2014, tuy nhiên quá thời hạn 10 năm, Công ty Ba Đình vẫn không thực hiện khiến nhiều khách hàng lâm vào cảnh khốn khổ vì mất tiền mà không có nhà ở, phải vay mượn để sinh sống. Tình trạng những vị khách cả tin lũ lượt mang theo băng rôn, khẩu hiệu xuống đường "đòi nhà" đã là chuyện phổ biến tại đây, song đáp lại vẫn là sự thờ ơ, lẩn tránh từ phía chủ đầu tư.
Sự thiếu trách nhiệm của Công ty Ba Đình nói riêng và đối tác của họ nói chung còn tiếp tục thể hiện qua quá trình phát triển dự án Thành An Tower (có tên mới là Manhattan Tower), số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân. Ban đầu, dự án Thành An Tower do Tổng công ty Thành An ( Bộ Quốc phòng ) làm chủ đầu tư, được giao đất từ năm 2009 với tổng diện tích đất là 4.182m2, trong đó diện tích xây dựng là 2.104m2, mục tiêu xây dựng tổ hợp thương mại và căn hộ 30 tầng.
Sau khi được giao đất, Tổng công ty Thành An không tự triển khai, mà hợp tác kinh doanh với Công ty Ba Đình. Hai ông lớn cùng "liên thủ" những tưởng dự án sẽ có cái kết trọn vẹn, bất ngờ thay, Thành An Tower bỗng chốc hóa thành dự án "chết" giữa lòng thành phố, đồng thời ẩn chứa hàng loạt vi phạm liên quan đến công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch... đã bị Thanh tra Bộ Xây dựng vạch ra hồi quý III/2022.
Cùng chung kịch bản với Hattoco Hà Đông, "chây ỳ" tiến độ khiến một số khách hàng Thành An Tower mất kiên nhẫn, đồng loạt làm đơn tố giác đề nghị lên Bộ Quốc phòng, các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ việc buông lỏng quản lý đất đai, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước, sai phạm trong quản lý dự án và trách nhiệm của Tổng công ty Thành An trong việc lựa chọn đối tác hợp tác kinh doanh; xử lý nghiêm minh, dứt điểm sai phạm của chủ đầu tư; thu hồi dự án từ Tổng công ty Thành An và Công ty Ba Đình để giao lại cho các đơn vị khác có đủ năng lực thực hiện; làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng về việc cho vay và giải ngân cho khách hàng vay vốn.
Sau khi xác minh những nội dung nêu trên, mới đây, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại dự án Thành An Tower, trở thành chủ đề bàn tán trong tuần qua.
Được biết, dự án Thành An Tower được Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tài trợ vốn và liên danh chủ đầu tư Công ty Ba Đình - Tổng công ty Thành An đã đem "gán" toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai và quyền phát triển dự án hình thành trong tương lai cho SHB - Chi nhánh Kinh đô từ tháng 12 năm 2017 (năm đầu tiên dự án được cấp giấy phép xây dựng).
SHB - Chi nhánh Kinh đô còn là nhà băng cấp tín dụng cho dự án Tổ hợp văn phòng, nhà ở cao cấp kết hợp dịch vụ thương mại HBI số 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (tên thương mại Imperia Garden). Tại dự án, Công ty Ba Đình đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ thỏa thuận về việc đặt cọc theo Hợp đồng đặt cọc số 39/HĐĐC/HBI-BĐ ngày 26/6/2014 giữa Công ty Ba Đình với Công ty Cổ phần HBI (chủ đầu tư) để đảm bảo cho giá trị khoản vay 250 tỷ đồng.
Bên cạnh SHB, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng được xem là mối quan hệ gắn kết từ lâu với Công ty Ba Đình. GPBank đã đứng sau hỗ trợ ông Nguyễn Tiến Trung và đồng sự làm dự án Hattoco Hà Đông, thậm chí, còn là nơi cất giữ toàn bộ cổ phần Công ty Ba Đình thuộc sở hữu của vợ chồng ông từ tháng 11/2011.
Theo số liệu tài chính năm 2021, tổng nợ phải trả của Công ty Ba Đình lên tới 2.046 tỷ đồng, trong đó 669 tỷ đồng là nợ vay dài hạn (có tài sản thế chấp). Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp là 650 tỷ đồng, thấp hơn số vốn điều lệ 689 tỷ đồng do khoản lỗ lũy kế gây thâm hụt.
Không ngừng thua lỗ là bởi từ sau năm 2018 trở lại đây, Công ty Ba Đình đã lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn thu giữa bối cảnh các dự án bất động sản nối tiếp đình trệ, bỏ nhiều vốn vào đầu tư nhưng vẫn dồn tắc tiến độ, không hẹn hoàn thành.
Điều đó nói lên năng lực quản trị của ông Trung trong lĩnh vực bất động sản và cũng thật lạ, chủ đầu tư cho những dự án nghìn tỷ lại đặt trụ sở chính ở căn nhà nhỏ cũ kỹ trên phố Hoàng Hoa Thám, nhân tiện cũng sử dụng để kinh doanh thêm một số mặt hàng đồ gỗ.
Xem thêm tại cafef.vn