Nhóm nào tiềm năng tăng giá tốt nhờ tăng trưởng kinh tế năm 2025?

Mặc dù chịu tác động từ nhiều cơn gió ngược trong và ngoài nước, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 12,1% trong năm 2024, đóng cửa ở mức 1.266,78 điểm.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CAO HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

Nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường năm 2025, ông Hồ Nhật Quang, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Qũy Thiên Việt (TVAM) cho rằng, Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch tăng trưởng GDP 7%-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95%; phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025.

Các tổ chức quốc tế cũng khá lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2025. IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng 3,2% (bằng với năm 2024). Cả WB và UN đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2024, lần lượt là 2,7% và 2,8%.

Đối với khu vực Đông Nam Á, ADB dự báo năm 2025 có tốc độ tăng trưởng bằng với năm 2024, đạt 4,7%.

Mặc dù vậy, khủng hoảng Trung Đông tiềm ẩn rủi ro lớn đối với thương mại toàn cầu do khu vực này sở hữu 48% trữ lượng dầu mỏ đã kiểm chứng và cung cấp hơn 50% dầu xuất khẩu, chủ yếu cho Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản.

Bất ổn chính trị, chiến tranh, hoặc xung đột nội bộ tại khu vực này có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng, đẩy giá dầu mỏ tăng cao và kéo theo chi phí sản xuất toàn cầu leo thang. Các dấu hiệu hiện tại cho thấy khả năng khủng hoảng tại Trung Đông trong năm 2025 là đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng bảo hộ thương mại. Tâm lý hậu đại dịch COVID-19 càng làm gia tăng xu hướng ưu tiên chuỗi cung ứng nội địa, gây ra áp lực thuế quan và hạn chế nhập khẩu. Hệ quả là chi phí sản xuất và giao thương tăng cao, làm suy giảm hiệu quả của thương mại tự do và hợp tác quốc tế.

Nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng đang tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ, vừa hoặc các quốc gia đang phát triển chưa đủ điều kiện hạ tầng xanh.

“Căng thẳng tại Trung Đông, xu hướng bảo hộ thương mại, và các quy định phát triển bền vững đang tạo nên các rào cản thương mại phức tạp, thử thách nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, các nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu thô chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tuy vậy, đây cũng là thời điểm để các quốc gia và doanh nghiệp hành động. Tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ, và xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp sẽ là “chìa khóa” để vượt qua các thách thức, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và ổn định lâu dài trong thương mại toàn cầu”, ông Quang nhấn mạnh.

Nhóm nào tiềm năng tăng giá tốt nhờ tăng trưởng kinh tế năm 2025?  - Ảnh 1

ĐỊNH GIÁ HẤP DẪN, NHÓM NÀO TIỀM NĂNG?

Về mặt định giá, dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong vùng định giá tương đối hấp dẫn khi được giao dịch ở mức định giá P/E 14.x, cao hơn trung bình các thị trường mới nổi là 9,1x, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 05 năm là 17.2x. Tình hình này được dự báo sẽ có cải thiện đáng kể khi thị trường chứng khoán được “kích hoạt” dòng tiền đổ vào, tạo cơ hội cho nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025.

Ngoài chứng khoán, một số nhóm ngành khác cũng được đánh giá tiềm năng cao trong năm 2025 như ngân hàng, bất động sản, dệt may...

Đối với ngân hàng, theo khảo sát của Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2024 chiếm khoảng 55,6% giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE, trong đó có 23 doanh nghiệp tỉ USD. Đáng chú ý, ngân hàng tiếp tục là ngành có số lượng công ty góp mặt lớn nhất trong TOP 50 với 12 đại diện (24%). Nổi bật trong nhóm ngân hàng là VCB với giá trị vốn hóa cao nhất thị trường, theo sau là CTG, TCB, VPB...

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nhận định nợ xấu chưa giảm và lãi suất vay có thể tăng, khiến lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2025 khó bứt phá. Kinh tế chưa có chuyển biến rõ ràng, sức hấp thụ vốn chậm, trong khi chứng khoán và bất động sản dự báo còn khó khăn. Dù vậy, cổ phiếu ngân hàng vẫn an toàn nhờ cổ tức từ năm 2024.

Nhóm ngành dệt may cũng được dự báo sẽ cải thiện tăng trưởng tốt trong năm 2025. Thị trường Bangladesh có 40% đơn hàng chuyển sang các thị trường khác nửa cuối năm 2024 trong đó có Việt Nam, do gián đoạn chính trị. Cổ phiếu ngành dệt may sẽ khả quan với kế hoạch tăng 9-10%, đóng góp 47-48 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2025.

Nhóm nào tiềm năng tăng giá tốt nhờ tăng trưởng kinh tế năm 2025?  - Ảnh 2

Đối với nhóm ngành bất động sản, các cổ phiếu đang trông chờ vào việc “cởi trói” của các quy định khi 03 Luật mới liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực.

Cùng với đó, tồn kho bất động sản của các công ty niêm yết cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Ghi nhận từ báo cáo tài chính của 15 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng giá trị tồn kho tính tới ngày 30/9/2024 khoảng 301.799 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đang áp lực đáo hạn trái phiếu khi năm 2025 gần 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào quý 3 và 4, trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.

Theo đại diện Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), trái phiếu bất động sản sắp đáo hạn sau thời gian gia hạn 2 năm vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường tài chính và nền kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro này đã giảm đáng kể so với 1-2 năm trước đây, khi các doanh nghiệp bất động sản đã cải thiện dòng tiền và hoạt động kinh doanh nhờ việc đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp lý dự án từ Chính phủ.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang có tín hiệu phục hồi trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, cơ sở hạ tầng được phát triển mạnh theo các dự án đầu tư công và Chính phủ đang tích cực tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án.

Ngoài ra, để có dòng tiền thanh toán trái phiếu, các doanh nghiệp cũng có thể như linh động bán dự án hay các khoản đầu tư (PDR); Lên kế hoạch tăng vốn để cải thiện cơ cấu tài chính (DXG, NLG); Thương lượng chuyển nợ thành vốn (NVL); Hợp tác với các doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt để triển khai dự án (NLG, KDH); Thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.

“Doanh nghiệp có lượng tồn kho cao nhưng hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ, vị trí tốt và giá bán hợp lý là tín hiệu tích cực, cho thấy khả năng bán hàng và thanh toán nợ trong tương lai. Ngược lại, lượng tồn kho thấp nhưng dư nợ cao mới là rủi ro lớn cho doanh nghiệp, do không đủ nguồn tài sản tích lũy để thanh toán các khoản nợ tương lai”,  đại diện TVAM nhận định.

Xem thêm tại vneconomy.vn