Sau phiên sáng biến động nhẹ, giao dịch ảm đạm và VN-Index đứng ở trên ngưỡng 1.175 điểm chủ yếu nhờ sắc xanh phủ tốt ở nhóm trụ cột ngân hàng, thị trường bước vào phiên chiều không có nhiều thay đổi đáng kể và tiếp diễn xu hướng đi ngang nhàm chán, thanh khoản vẫn chỉ ở mức thấp cho đến khi đóng cửa.
Đóng cửa, sàn HOSE có 253 mã tăng và 193 mã giảm, VN-Index tăng 5,3 điểm (+0,45%), lên 1.175,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 575,2 triệu đơn vị, giá trị 12.899,3 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 77 triệu đơn vị, giá trị gần 1.950 tỷ đồng.
Dù áp lực cung có phần gia tăng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng đã được bù đắp nhờ sự đồng thuận của nhóm ngân hàng, dù mức tăng của các cổ phiếu ở nhóm này chỉ dừng lại ở mức vừa phải.
Theo đó, ACB là cổ phiếu dẫn đầu nhóm với mức tăng 1,94% lên 26.300 đồng, các cổ phiếu VIB, VCB, TCB, BID, HDB theo ngay sau với mức tăng nhẹ hơn 1%.
Các mã khác trong nhóm bluechip không nhiều điểm nhấn, với GVR dù tăng mạnh nhất cũng chỉ +2,6% lên 21.450 đồng.
Ở chiều ngược lại, cũng như cuối phiên sáng khi SAB vẫn dẫn đầu đà giảm, nhưng cũng chỉ mất 2,6% xuống 57.300 đồng, MSN -1,6% xuống 65.800 đồng, các mã VHM, VRE, GAS, POW, STB và MWG giảm nhẹ 0,2% đến 0,6%.
Thanh khoản cao nhất vẫn là SHB với hơn 21,7 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu nhích 0,8% lên 12.350 đồng, các mã SSI, HPG, STB khớp trên dưới 15 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với một số đáng kể như D2D, DRC, HCD, CSV đều có mức tăng tốt 5-7%, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh quý IV/2023 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, hai cổ phiếu D2D và DRC đã tăng kịch trần lên 29.900 đồng và 29.650 đồng, khớp lần lượt 0,47 triệu và 2,49 triệu đơn vị.
Một số mã khác cũng đã tăng tốt ở nhóm khu công nghiệp, ngoài D2D nêu trên thì SZC +5,5% lên 38.500 đồng, SIP +3,7% lên 72.100 đồng. Nhóm bất động sản, xây dựng với SGR +3,1% lên 20.000 đồng, PDR +2,9% lên 28.500 đồng, NLG +2,9% lên 39.500 đồng, trong đó, PDR phiên này thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 24,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trái lại, sức ép có phần gia tăng tại một số mã như TDP -6,8% xuống 25.400 đồng, HSL -6,5% xuống 7.010 đồng, FIR -5,8% xuống 9.800 đồng, DC4 -4,4% xuống 12.050 đồng, LDG -3,6% xuống 2.960 đồng. Các mã THG, HBC, TNH, AAT, ST8, APC giảm 2-3,5%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index gần như cũng đi ngang quanh mức điểm cuối phiên sáng và kết phiên không xa mức này khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 101 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,4%), lên 229,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,4 triệu đơn vị, giá trị 910,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,28 triệu đơn vị, giá trị 49,1 tỷ đồng.
Vẫn là những cái tên cũ cuối phiên sáng hút nhà đầu tư, với TTH và TVC tăng kịch trần lên 4.600 đồng và 7.200 đồng, khớp lần lượt 3,18 triệu và 2,55 triệu đơn vị. Hai mã nhỏ khác là KSQ và KTT gia nhập các mã tăng kịch trần lên 2.800 đồng và 5.700 đồng.
Ở chiều ngược lại là TKG giảm sàn -9,6% xuống 10.400 đồng, khớp 1,28 triệu đơn vị.
Cổ phiếu đáng chú ý khác là LAS tăng mạnh 7% lên 16.800 đồng, khớp 2,74 triệu đơn vị, sau khi gần đây báo cáo lợi nhuận sau thuế 54 tỷ đồng trong quý IV/2023, gấp đôi cùng kỳ.
Các cổ phiếu khác biến động nhẹ, với SHS, HUT, MST, PVC, TNG đứng tham chiếu, trong khi CEO, PVS, IDJ, AMV, MBG, GKM kết phiên trong sắc xanh, khớp từ 0,97 triệu đến 4,2 triệu đơn vị, riêng SHS khớp lệnh cao nhất sàn và vượt trội khi có hơn 8,8 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rơi thêm đôi chút trong phiên chiều, trước khi bật trở lại lên tham chiếu ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 87,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,99 triệu đơn vị, giá trị 487,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,55 triệu đơn vị, giá trị 191,5 tỷ đồng, trong đó, đáng kể là hơn 5,7 triệu cổ phiếu MPC, trị giá gần 86 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ BII đảo chiều từ giá sàn lên giá trần +12,5% lên 900 đồng, khớp 0,84 triệu đơn vị.
Cổ phiếu DDV thêm một phiên tăng khá, +6% lên 10.600 đồng, khớp hơn 3,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, BSR vẫn là mã thanh khoản cao nhất với hơn 6,68 triệu đơn vị và tăng 1,1% lên 19.000 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2402 tăng 6,5 điểm, tương đương +0,55% lên 1.187 điểm, khớp hơn 155.000 đơn vị, khối lượng mở gần 46.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mức độ phân hóa cao, với CVPB2309 phiên này khớp lệnh cao nhất với 2,26 triệu đơn vị và đứng tham chiếu tại 300 đồng/cq, hai mã CHPG2326 và CHPG2325 khớp 2,22 triệu và 1,1 triệu đơn vị, với CHPG2326 nhích 1,33% lên 760 đồng/cq, còn CHPG2325 cũng chỉ có giá tham chiếu tại 230 đồng/cq.