Nhu cầu sử dụng LNG dự kiến tăng gấp 3 lần vào năm 2030

LNG (Liquefied Natural Gas – khí tự nhiên hóa lỏng) được nhận định là một trong những loại hình năng lượng đóng vai trò nền tảng và thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chuyển đổi sử dụng LNG thay thế cho các nhiên liệu truyền thống như than đá, dầu mỏ đang là xu hướng toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

NHU CẦU LNG TĂNG 12% MỖI NĂM

Theo nghiên cứu Wood Mackenzie, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào các khoản đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng khí đốt, hợp đồng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và những cải cách chính sách quan trọng, khi nhu cầu về khí đốt của quốc gia dự kiến tăng trung bình 12% mỗi năm và có thể tăng gấp ba lần vào giữa những năm 2030.

Trong đó, tiêu thụ khí đốt sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu năng lượng ngày càng cao hơn, từ 8 triệu tấn dầu quy đổi (Mtoe) vào năm 2020 lên 20 Mtoe vào năm 2035. Trong quá trình chuyển đổi này, tỷ trọng than tiêu thụ sẽ giảm 7 Mtoe vào năm 2050.

Ông Joshua Ngu, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Wood Mackenzie, cho biết ngành điện lực sẽ tiếp tục dẫn đầu trong tiêu thụ khí đốt, với dự báo nhiên liệu này sẽ đóng góp tới 14% tổng sản lượng điện vào năm 2030.

“Việc phát điện từ khí đốt đang ngày càng cần thiết để hạn chế khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện trong tương lai gần. Khi sản lượng điện từ than chững lại trong giai đoạn tới và năng lượng tái tạo tiếp tục đối mặt với những thách thức như hiệu suất gián đoạn hay các hạn chế của lưới điện, khí đốt và LNG sẽ là những nguồn nhiên liệu quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia cũng như hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững.” ông Joshua Ngu nhận định.

THIẾU VẮNG HẠ TẦNG VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ 

Theo Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Việt Nam đang đứng trước sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Hiện nay, cả nước có khoảng 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ- TTg.

Như vậy, tới năm 2030 chúng ta sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.

“Với tiến độ triển khai các dự án như hiện nay có thể thấy các dự án điện khí LNG sẽ rất khó khăn để hòa lưới điện kịp tiến độ vào năm 2030. Bởi lẽ, các dự án điện LNG từ lúc có quy hoạch đến khi vận hành thường mất 8 - 10 năm, thậm chí lâu hơn”, PV GAS cho biết.

Nhu cầu LNG và hợp đồng mua bán LNG tại Việt Nam - Ảnh: Wood Mackenzie.
Nhu cầu LNG và hợp đồng mua bán LNG tại Việt Nam - Ảnh: Wood Mackenzie.

Một nghiên cứu khác của Wood Mackenzie cho thấy bên cạnh nhu cầu khí đốt được dự báo tăng lên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức trong  sản lượng nội địa. Các mỏ khí hiện tại chủ yếu nằm ở khu vực Đông Nam Bộ và đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, dẫn đến nguồn cung khí đốt nội địa giảm 25% trong 5 năm qua.

Ngoài ra, Việt Nam hiện chỉ đang tiếp xúc với thị trường khí LNG mua và giao ngay, chưa ký bất kỳ hợp đồng mua bán LNG dài hạn nào.

“Thiếu hụt trong nguồn cung khí LNG theo hợp đồng, cùng với nguồn tài nguyên trong nước ngày càng cạn kiệt, làm tăng nguy cơ biến động giá ở Việt Nam cũng như nguy cơ mất điện hoặc phân phối khí đốt trong tương lai”, ông Raghav Mathur, Chuyên gia Nghiên cứu và Phân tích lĩnh vực Khí đốt & LNG, Wood Mackenzie cho biết.

Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt mới sẽ giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt. Mạng lưới đường ống chính của Việt Nam hiện tập trung ở khu vực phía Nam, nơi có trung tâm kinh tế TP.HCM.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo PV GAS, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp gặp phải là vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm LNG, trực tiếp làm ảnh hưởng lên công tác đầu tư, kinh doanh LNG nhập khẩu.

Cụ thể, sự thiếu vắng của các cơ chế bao tiêu về khối lượng, cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện và các quy định về chi phí liên quan như cước phí đang gây khó khăn trong việc xác định tổng mức đầu tư, giá phát điện đầu ra cũng như làm tắc nghẽn quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại trong các khâu của chuỗi giá trị LNG.

Bên cạnh đó, PV GAS đang tập trung đầu tư cho các dự án kho cảng LNG nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện, sản xuất phân đạm và các ngành sản xuất công nghiệp khác. Do vậy, việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền như LNG sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ tin cậy của hệ thống sản xuất điện trong trung và dài hạn.

Theo bà Yulin Li, Chuyên gia Nghiên cứu về Khí đốt & LNG, Wood Mackenzie, để Việt Nam tận dụng triệt để tiềm năng của khí đốt và LNG, cần có một cơ chế năng lượng chuyên biệt để tập trung vào chính sách và quy định về năng lượng.

“Một khung chính sách mạnh mẽ là điều cần thiết để thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt trung và hạ nguồn”, bà Li nhấn mạnh.

Đồng thời, Việt Nam nên phát triển thêm quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp có khả năng đáp ứng yêu cầu của quốc gia. Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp uy tín đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến PETRONAS. Được biết, PETRONAS sản xuất hơn 36 triệu tấn khí LNG mỗi năm với các cơ sở ở Bintulu, Úc, Ai Cập và sắp tới là Canada. 

Trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của các trung tâm kinh tế, công nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt là phía Bắc, ngày 6/9 vừa qua, tại ga tàu lửa Trảng Bom (huyện Trảng Bom,tỉnh Đồng Nai), PV GAS đã tổ chức Lễ khởi hành chuyến tàu chở những tấn LNG đầu tiên từ Nam ra Bắc, đánh dấu cột mốc quan trọng cho ngành công nghiệp khí tại Việt Nam.

Sau khi vượt quãng đường gần 2.000 km, 16 bồn chứa ISO tank chứa dòng năng lượng LNG đầu tiên sẽ được PV GAS vận chuyển bằng xe bồn chuyên dụng từ ga Đông Anh, Hà Nội đến từng hộ tiêu thụ công nghiệp tại khu vực phía Bắc.

Xem thêm tại vneconomy.vn