Nhu cầu tín dụng tăng về cuối năm, ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Theo dự báo mới nhất của VIS Rating, dự kiến trong 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.

Khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh do vốn cấp 2 của các ngân hàng này sẽ bị khấu trừ đáng kể. Theo quy định, trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được tính vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu.

Các ngân hàng sẽ cần phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới để thay thế các trái phiếu bị khấu trừ và tăng mức an toàn vốn. Một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.

Theo ghi nhận khác của FiinRatings, tính đến ngày 10/06/2024, mới có một số ít ngân hàng công bố kế hoạch với ngày phát hành cụ thể với tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng. Đối với các doanh nghiệp phi ngân hàng, kế hoạch phát hành sẽ phụ thuộc vào tình hình vĩ mô cũng như môi trường lãi suất.

Nhu cầu tín dụng tăng về cuối năm, ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu - Ảnh 1

Mặc dù vậy, theo FiinRatings, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

Lãi suất cho vay đã giảm ở mức rất thấp và thanh khoản ngành ngân hàng đang dồi dào, tín dụng vẫn tăng chậm từ năm 2023 đến nay. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, dẫn tới đầu ra thấp ở phía các tổ chức tín dụng bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. 

Trước sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, FiinRatings dự báo nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024, giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ kinh tế tại các thị trường chính phục hồi, dẫn tới nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất cải thiện. Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong đó bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bởi các Ngân hàng thương mại, hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Ngoài ra, các Bộ Luật mới được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. 

Để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng trong nửa cuối năm, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.

"Là nhóm nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu ra qua kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là yếu tổ quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn trong nửa cuối năm nay", FiinRatings kỳ vọng. 

Thị trường sơ cấp trong tháng 5/2024 chứng kiến tăng trưởng mạnh với tổng giá trị phát hành đạt 23,2 nghìn tỷ VNĐ, chủ yếu đến từ các Tổ chức tín dụng trong khi nhóm Bất động sản giảm 30,3% so với tháng trước. Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu trung dài hạn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Nhà nước cũng như để chuẩn bị nguồn vốn khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng hồi phục trong nửa cuối năm.

BIDV và TCB sở hữu lượng phát hành lớn nhất là 5,3 nghìn tỷ VNĐ và 3 nghìn tỷ VNĐ.  Trái phiếu mới phát hành chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 2-3 năm và 7-8 năm. Trái phiếu của các tổ chức tín dụng có kỳ hạn bình quân là 5 năm và lãi suất bình quân là 5,4%, cụ thể ngân hàng quốc doanh là BIDV phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, trong khi đó các tổ chức tín dụng tư nhân phát hành chủ yếu phát hành kỳ hạn 3 năm. Nhóm bất động sản chủ yếu ghi nhận loạt trái phiếu thuộc Vingroup với kỳ hạn bình quân 2 năm và và lãi suất phát hành 12-12,5%, mục đích để cơ cấu nợ.

Áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục ở mức cao vào quý 3 và quý 4/2024 với ngành Bất động sản chiếm 64% tổng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải xin giãn hoãn thanh toán nợ và điều chỉnh kế hoạch mua lại.

Xem thêm tại vneconomy.vn