Nhu cầu vốn “khổng lồ” cho các dự án ngoài khơi của Việt Nam, một “đại gia” dầu khí có thể phát hành thêm 1,2 tỷ cổ phiếu

Nhu cầu vốn “khổng lồ” cho các dự án ngoài khơi của Việt Nam, một “đại gia” dầu khí có thể phát hành thêm 1,2 tỷ cổ phiếu- Ảnh 1.

Theo thông tin cập nhật từ cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC – mã PVS) ngày 14/6 và ĐHĐCĐ thường niên ngày 17/6, ban lãnh đạo công ty đã hé lộ KQKD sơ bộ 5 tháng đầu năm với doanh thu hợp nhất đạt 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 573 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 50% so với cùng kỳ 2023.

Theo Vietcap, mức tăng trưởng của PVS chủ yếu được thúc đẩy bởi mảng M&C, sau khi hoàn thành 4 trong số 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án Greater Changhua 2a & 4 (Đài Loan, Orsted Client).

Năm 2024, PVS lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 38% so với thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2019 cho thấy sự thận trọng của ban lãnh đạo công ty bởi trong giai đoạn 2022-23, LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ của PVS thường cao hơn gấp 2 lần dự kiến ban đầu.

photo-1718810758101

Thêm vào đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp M&C thường được ghi nhận vào quý 4. Vì thế, Vietcap dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay của PVS có thể đạt lần lượt 28.856 tỷ và 1.216 tỷ đồng. Con số này cao hơn 86% so với chỉ tiêu doanh thu và gấp đôi mục tiêu lợi nhuận mà PVS đề ra.

Xa hơn trong năm 2025, PVS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng đáng kể nhờ vào backlog M&C lớn (1,5 tỷ USD cho mảng điện gió bao gồm các hợp đồng đã ký và công bố công khai, các hợp đồng đã ký & NDA, các hợp đồng tiềm năng cao và 1,0 tỷ USD cho Lô B).

Hơn nữa, ban lãnh đạo PVS cũng rất tin tưởng vào mảng điện gió ngoài khơi, với nhu cầu lớn từ Đài Loan (Trung Quốc), và Nhật Bản. Điều này giúp khối lượng công việc cho PVS gần như được đảm bảo cho đến ít nhất là năm 2030.

Về siêu dự án Lô B Ô Môn quy mô 12 tỷ USD, PVS kỳ vọng không có sự chậm trễ đáng kể trong Quyết định Đầu tư Cuối cùng (FID) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nhấn mạnh rằng với tư cách nhà thầu thì công việc vẫn tiếp tục bình thường, với các khoản giải ngân kịp thời và thanh toán đầy đủ từ các nhà điều hành.

Có thể tăng vốn điều lệ lên đến 17.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Vietcap, trong giai đoạn 2024-30, PVS yêu cầu vốn XDCB lớn trị giá 70.600 tỷ đồng, bao gồm chi tiêu cho M&C, mở rộng công suất hệ thống căn cứ cảng, đầu tư kho dầu nổi cho các dự án Lạc Đà Vàng và Lô B (~10.000 tỷ đồng) cũng như trang trại gió ngoài khơi (~60.000 tỷ đồng).

photo-1718810773560

Để đáp ứng nhu cầu trên, Vietcap cho rằng PVS có thể tăng vốn cổ phần thêm 12.200 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu mới thông qua phát hành quyền mua và chia cổ tức bằng cổ phiếu. PVS dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn 2025 - 2030 để giữ lại lợi nhuận, đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, Vietcap cũng nhấn mạnh kế hoạch này vẫn đang ở giai đoạn đầu vì PVS cần có sự chấp thuận từ nhiều cấp khác nhau, trong đó có PVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trước khi tiến hành. Do đó, vẫn chưa có thông tin chi tiết cụ thể.

photo-1718810783235

PVS hiện đang có vốn điều lệ gần 4.800 tỷ đồng. Nếu triển khai các kế hoạch tăng vốn kể trên, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên 17.000 tỷ đồng. PVS hiện cũng là công ty có vốn hóa lớn nhất sàn HNX với giá trị gần 21.000 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.

Xem thêm tại cafef.vn