Tính đến thời điểm 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Ảnh tư liệu |
Những tín hiệu thay đổi
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong tháng 3/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 0,98%, chấm dứt chuỗi 2 tháng đầu năm liên tiếp tăng trưởng tín dụng âm. Tính chung đến cuối tháng 3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26%. Số liệu tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực ngân hàng đi kèm với các tín hiệu phục hồi chung của nền kinh tế, đặc biệt là sự cải thiện của tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), với GDP quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Trong khi tín dụng tăng trưởng thì huy động vốn lại có dấu hiệu sụt giảm. Tính đến thời điểm 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Động thái này một phần do các ngân hàng giảm nhu cầu huy động vốn bởi khi nhu cầu cho vay đầu năm không cao, dấu hiệu dòng tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng xuất hiện trong thời gian khoảng 2 tháng đầu năm 2024. Theo đó, việc NHNN có hành động phát hành tín phiếu trên thị trường mở từ hôm 11/3 cũng được xem là nhằm hút bớt lượng tiền thừa trong các ngân hàng thương mại, tránh việc các ngân hàng sử dụng số tiền này vào các nghiệp vụ không cần thiết, chẳng hạn như các công vụ phòng vệ rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên, hoạt động của NHNN thời gian gần đây cũng đã có thay đổi, khi có những phiên thực hiện mua vào tín phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN bơm tiền trở lại hệ thống các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn như trong phiên ngày 2/4, NHNN đã mua vào gần 6 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và không bán tín phiếu trong phiên này; phiên ngày 3/4 cũng mua vào hơn 2,5 nghìn tỷ tín phiếu và chỉ bán ra 300 tỷ đồng tín phiếu.
Lãi suất tín phiếu được NHNN mua vào lên tới 4%, trong khi lãi suất tín phiếu bán ra trong phiên 3/4 chỉ là 1,9%. Động thái này không chỉ cho thấy NHNN ngay lập tức có “lãi” chênh lệch lãi suất khoảng 2,1% mà cũng là tín hiệu cho thấy, NHNN đã phải hành động để xử lý nhu cầu vốn cho một hoặc một số tổ chức tín dụng.
Còn nhiều “chênh vênh” phía trước
Ngoài động thái trên thị trường mở, diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng là những tín hiệu đáng quan tâm, khi lãi suất thị trường này cũng tăng vọt trong những ngày gần đây. Lãi suất cho vay qua đêm đầu tháng 4/2024 đã lên tới 4,59%/năm, gần sát mức trần lãi suất 5%, theo quy định của NHNN. Đây là mức lãi suất cao nhất của thị trường liên ngân hàng kể từ tháng 5/2023 đến nay.
Diễn biến tại thị trường liên ngân hàng theo đó đã đảo chiều khá nhanh khi chỉ khoảng hơn 10 ngày trước (vào khoảng ngày 22/3), lãi suất qua đêm vẫn giảm về mức rất thấp chỉ 0,13%/năm. Đặc biệt không chỉ lãi suất qua đêm, lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng leo cao với kỳ hạn 1 tuần là 4,71%, kỳ hạn 2 tuần là 4,47%, kỳ hạn 1 tháng là 4,3%, kỳ hạn 3 tháng là 4,7%, kỳ hạn 6 tháng là 4,87%...
Với mặt bằng lãi suất này, thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang cho vay lẫn nhau với lãi suất cao hơn so với lãi suất huy động vốn bình quân từ khu vực dân cư. Điểm qua lãi suất huy động của một số ngân hàng thì hiện tại, BIDV đang huy động lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 1,7%; kỳ hạn 3 tháng là 2%; kỳ hạn 6 tháng là 3%... Với một ngân hàng cổ phần, hiện lãi suất của MB là 2,1% với kỳ hạn 1 tháng; 2,5% với kỳ hạn 3 tháng và 3,5% với kỳ hạn 6 tháng…
Diễn biến thị trường liên ngân hàng trong những ngày gần đây cho thấy, một số ngân hàng đã bắt đầu xuất hiện trạng thái thiếu vốn. Việc này mặc dù có thể chỉ là diễn biến cục bộ và không phải là bức tranh chung của toàn bộ hệ thống, thể hiện ở chỗ, đầu tháng 4/2024 vẫn có ngân hàng lớn thuộc nhóm Big 4 hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, khi dòng tiền trong ngân hàng có dấu hiệu co hẹp phần nào sẽ hạn chế khả năng bơm vốn ra nền kinh tế của toàn bộ hệ thống.
Đặc biệt, một số chuyên gia cho biết, hiện tại các ngân hàng cũng vẫn còn phải giữ tâm thái rất thận trọng trong khâu kiểm soát rủi ro và đây là yếu tố các ngân hàng đều phải cân nhắc trước bài toán “thả gà ra đuổi”. PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, tiến gần tới ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100% thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Điều này cho thấy, các ngân hàng cũng sẽ phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng để bù đắp cho chỉ số an toàn tài chính đang có dấu hiệu sụt giảm.
Với bối cảnh hiện tại, tâm lý thận trọng của các ngân hàng là một diễn biến thực tế vẫn diễn ra gần đây. Trong cuộc họp về chính sách tiền tệ với Thủ tướng Chính phủ diễn ra giữa giữa tháng 3/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, cũng nhận định một số ngân hàng trong quy trình thủ tục cho vay vẫn “chậm được cải tiến”, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.
Trong khi đó, thời điểm hiện tại đã hơn 1/4 quãng thời gian của năm 2024 qua đi, trong khi con số tăng trưởng tín dụng sau 3 tháng đầu năm mới đạt 1,7% mục tiêu đề ra (3 tháng tăng trưởng đạt 0,26% trên chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 15%). Ngay cả trường hợp các tháng còn lại đạt được tốc độ bình quân gần 1% như đã thực hiện trong tháng 3 thì 9 tháng còn lại tăng trưởng tín dụng cũng sẽ chỉ có thể ở mức khoảng dưới 10%.
Diễn biến này đang cho thấy các ngân hàng đang đứng trước “thế kẹt”. Một mặt tâm lý chung vẫn phải rất thận trọng đảm bảo an toàn cho từng khoản vay. Mặt khác vẫn phải trông đợi vào một yếu tố nào đó có tính “bùng nổ” trong giai đoạn còn lại mới có thể đạt được chỉ tiêu.
Chính phủ luôn đặt sự quan tâm đến việc thực thi chính sách tiền tệ Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 và chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 nhằm định hướng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. |