Nhu cầu vốn tín dụng chuyển đổi xanh tại Việt Nam đến 2040 khoảng hơn 8,8 triệu tỷ đồng
Tăng trưởng tín dụng xanh bình quân trên 20% mỗi năm
Xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.
Trong đó, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư chủ đề "Việt Nam - Điểm đến đầu tư", diễn ra ngày 7/3 tại Hàn Quốc, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Phạm Như Ánh cho biết, tài chính xanh là chìa khóa để Việt Nam cam kết Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và phát triển bền vững.
Theo ông Ánh, nhu cầu vốn của châu Á để chuyển đổi xanh đến năm 2050 là khoảng 5.000 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu vốn của Việt Nam chuyển đổi xanh đến năm 2040 ước khoảng 368 tỷ USD, tương đương khoảng 8,8 triệu tỷ đồng. Mục tiêu tín dụng xanh của Việt Nam đến năm 2025 đạt 68,24 tỷ USD (tương đương 1,68 triệu tỷ đồng).
Giai đoạn 2016-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Trong giai đoạn này, có 43/49 ngân hàng thương mại Việt Nam đã tham gia cấp tín dụng xanh. Tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt 22,56 tỷ USD, tương đương hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
“Với mục tiêu đề ra, dự kiến tỷ trọng tín dụng xanh trên tổng dư nợ sẽ tăng lên khoảng 10% trong năm 2025”, Tổng giám đốc MB nhận định.
Cơ hội phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam
Theo ông Phạm Như Ánh, cơ hội đầu tư vào chuyển đổi xanh tại Việt Nam rất lớn, do hầu hết các ngành nghề tại Việt Nam đều cần hướng tới chuyển đổi xanh.
Với mục tiêu quốc gia giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030, cơ hội đầu tư khí hậu của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030 sẽ lên tới 753 tỷ USD (khoảng 18,5 triệu tỷ đồng). Và nhu cầu tín dụng đến năm 2040 lên tới 8,8 triệu tỷ đồng, tập trung mạnh ở mảng ngành Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (tính đến tháng 3/2023, cơ cấu tín dụng xanh chuyển dịch mạnh về ngành Năng lượng tái tạo, chiếm 45% tổng dư nợ xanh).
“Các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam cho mục đích hỗ trợ chuyển đổi xanh, giảm phát thải sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế (cam kết thuế tối thiểu toàn cầu) và ưu đãi tín dụng của chính phủ Việt Nam”, ông Ánh chia sẻ.
Ông Ánh cho biết, tại MB, ngân hàng này đang tập trung chuyển đổi xanh giai đoạn 2022-2025, với 3 chiến lược chính, bao gồm: Phát triển tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược chung của MB, phát triển Ngân hàng xanh theo cấp độ 3, từng bước hướng tới cấp độ 5; Chú trọng vào phát triển tín dụng xanh, đầu tư xanh tập trung vào mô hình micro-SME và ngân hàng số; và tiếp tục ưu tiên mở rộng tín dụng xanh cho các khách hàng SME, CIB. Đến nay, MB đã triển khai và thực hành ESG tổng thể, đây là là cốt lõi hành động và phát triển của ngân hàng.
Tính đến hết 31/12/2023, quy mô dư nợ xanh của MB đạt 2,6 tỷ USD (khoảng 64 nghìn tỷ đồng), chiếm 10% tổng dư nợ nhà băng này và gấp 2,2 lần so với toàn ngành. Trong giai đoạn 2022-2025, MB tập trung mở rộng hoạt động tín dụng xanh cho các doanh nghiệp, tăng tỷ trọng tín dụng xanh/tổng dư nợ cho vay lên 12%, hạn chế cho vay với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn