Nhựa Bình Minh: Quỹ tiền nhàn rỗi lớn nhưng chưa có kế hoạch M&A
ĐHĐCĐ Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đã diễn ra vào sáng 29/4, thông qua toàn bộ tờ trình về báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch năm 2024, các thay đổi về nhân sự cũng như kế hoạch phân phối lợi nhuận.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu mục tiêu 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 1.030 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm ngoái.
Riêng trong quý I, BMP đã hoàn thành 18% cả kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 1.017 tỷ đồng và 190 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu giảm 30%, lợi nhuận giảm 32%.
Lý giải về kết quả có phần kém sắc với hiệu suất kinh doanh khá yếu trong quý I, Tổng giám đốc Chaowalit Treejak cho biết do quý I có kỳ nghỉ Tết dài đã ảnh hưởng tới kết quả của BMP, dẫn tới kết quả 3 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả quý II dự kiến sẽ bù đắp cả về doanh thu và lợi nhuận cho phần sụt giảm của quý I.
Theo ông Chaowalit Treejak, BMP đã có nhiều chính sách và chiến lược để cải thiện, gia tăng hiệu suất kinh doanh từ nay đến cuối năm.
Về EBITDA, Chủ tịch Sakchai Patiparnpreechavud cho biết chỉ tiêu này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu thị trường, giá dầu thô trên thế giới,… Nếu không tính đến các yếu tố này, EBITDA của BMP sẽ giữ nguyên so với cùng kỳ. Theo đó, ông Sakchai Patiparnpreechavud nhấn mạnh việc duy trì và giữ nguyên được EBITDA trong bối cảnh này đã là thành công của BMP.
Về giá nguyên vật liệu đầu vào của BMP, Chủ tịch công ty cho biết thị trường và giá PVC hiện đang khá yếu và dự kiến sẽ duy trì sức yếu này trong quý II và cả năm 2024. Giá PVC có thể tăng hoặc giảm nhẹ nhưng sẽ không thay đổi nhiều trong năm mà sẽ ổn định như tình hình ghi nhận ở quý I.
“Nếu giá PVC được giữ ổn định ở mức hiện tại thì toàn bộ chuỗi sản xuất của BMP sẽ dễ kiểm soát hơn, người bán lẻ và nhà phân phối cũng dễ kiểm soát biên lợi nhuận hơn. Nếu giá PVC tăng, kéo theo chi phí đầu vào của chúng ta tăng cao thì BMP buộc phải điều chỉnh về giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá vẫn diễn ra hàng năm, nếu giá đầu vào tăng thì giá đầu ra cũng sẽ được điều chỉnh theo”, Chủ tịch BMP cho biết.
Tại đại hội, một số cổ đông đặt vấn đề về kế hoạch đầu tư của BMP khi đang có quỹ tiền nhàn rỗi khá lớn. Tính đến cuối quý I/2024, tổng các khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của BMP đạt hơn 2.200 tỷ đồng.
Chủ tịch Sakchai Patiparnpreechavud cho biết công ty chưa có kế hoạch M&A hay kế hoạch tăng trưởng mở rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty sẽ thảo luận thêm để BMP tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Với khoản quỹ đầu tư phát triển hơn 1.100 tỷ đồng ghi nhận tại báo cáo tài chính, nếu tình hình thị trường tốt, BMP sẽ cân nhắc sử dụng nguồn vốn này để mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo ông Sakchai Patiparnpreechavud, BMP luôn có những phần chi tiêu cho R&D và các khoản chi này đã giúp BMP đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường.
Năm 2023, thị phần của BMP có phần sụt giảm do ảnh hưởng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Chủ tịch BMP cho biết công ty đã có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để để duy trì được thị phần, cụ thể là phát triển sản phẩm mới, đi vào đa dạng phân khúc để đối phó với thách thức.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn