Những "cánh chim" tiên phong thực hành ESG trong lĩnh vực ngân hàng

Cam kết Net Zero và cuộc chơi mới của ngành ngân hàng

3 năm trước, tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0. Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 nhanh chóng được thành lập, trong đó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Cũng kể từ thời điểm đó, một cuộc chơi mới được thiết lập đưa các doanh nghiệp đứng trước yêu cầu phát triển bền vững. Để thực hiện hóa mục tiêu Net Zero, thực hành ESG là một yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Với vai trò là đầu tàu, là hệ thống tuần hoàn của nền kinh tế, cung cấp sức mạnh tài chính cho cả nền kinh tế, việc triển khai ESG trong hoạt động ngân hàng được TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế từng ví như "mệnh lệnh không thể từ chối".

Những

Hành trình thực hiện ESG của ngành ngân hàng.

Đánh giá tầm quan trọng của việc thực hiện ESG trong hệ thống tài chính ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sớm ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững.

NHNN cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng; xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh; xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; ban hành hướng dẫn hoạt động tín dụng xanh, thực hành ESG gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường;...

Những "cánh chim" tiên phong xanh hóa

Với cơ chế mới rộng mở từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tín dụng nhanh chóng chuyển mình, chủ động hợp tác, tiếp nhận nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, ngày càng nhiều ngân hàng tại Việt Nam áp dụng thực hành ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững.

Câu chuyện của ngân hàng MB là ví dụ điển hình. Năm 2023, trong làn sóng xanh hóa, MB đã phát đi tuyên bố cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn đo lường quốc tế. Đây được coi là tiền đề cho các dự án phát triển bền vững, đồng thời là tuyên ngôn của một MB "xanh" mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Từ hoạt động thiện nguyện, lan tỏa trách nhiệm xã hội, MB xác định mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều phải mang dấu ấn "xanh". MB tập trung hướng tới cung cấp tài chính cho các dự án lớn về năng lượng tái tạo, hỗ trợ cho vay, hỗ trợ hành vi tiêu dùng tiết kiệm năng lượng. Trong định hướng khách hàng, MB tư vấn trực tiếp với khách hàng sử dụng các dịch vụ có yếu tố xanh.

Ngay cả trong hoạt động nội bộ, đến nay, số hóa đã lan rộng, khi tỷ lệ sử dụng giấy tờ xấp xỉ về 0. Riêng với các khách hàng, MB thực hiện số hóa tới 90% sản phẩm tích hợp trên hệ sinh thái App MBBank cho khách hàng cá nhân, BIZ MBBank cho khách hàng doanh nghiệp cùng những chính sách miễn phí trọn đời, giúp tối giản việc sử dụng giấy tờ, tận dụng tối đa công nghệ để giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức cho cả khách hàng và nhân lực ngân hàng.

Là một trong những ngân hàng tư nhân lớn, TPBank cũng tiên phong thực hiện tiêu chuẩn ESG. Theo đó, TPBank tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như phát triển tín dụng xanh. "Ngân hàng tím" hướng tới tập trung cho vay các dự án nông nghiệp, giao thông vận tải bền vững, xây dựng và bất động sản xanh, Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, quản lý nước và chất thải bền vững. Bên cạnh đó, TPBank tiếp tục thúc đẩy sử dụng công nghệ số thông qua phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán số, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên giấy. TPBank là ngân hàng đi đầu thực hiện chiến lược số hóa thành công kể từ hơn một thập kỷ trước.

Với yếu tố xã hội trong thực hành ESG, TPBank chú trọng hỗ trợ cộng đồng thông qua các giao dịch thương mại có yếu tố phụ nữ, thúc đẩy mạnh mẽ tài chính bình đẳng giới tại Việt Nam. Nhà băng này tích cực tổ chức các chương trình từ thiện như xây trường học, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ y tế cho khu vực khó khăn.

TPBank xác định, việc thực hành và tích hợp các yếu tố ESG không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trong tương lai.

Nhìn từ những "cánh chim đầu đàn" trong hành trình thực hiện ESG, có thể thấy, chỉ trong vài năm trở lại đây, cuộc chuyển mình xanh hóa của ngành ngân hàng đã và đang diễn ra mạnh mẽ.

Thống kê mới đây của NHNN ghi nhận, có 80-90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, không ít tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững. Một số ngân hàng ban hành "Khung tín dụng xanh", "Khung khoản vay bền vững" nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lí nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Những kết quả tích cực này mang đến kỳ vọng về hành trình tiến tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam đang dần được rút ngắn.

PRIVATE 100 – Top Doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam là danh sách được CafeF thu thập từ những nguồn công khai hoặc các số liệu có thể xác thực, phản ánh toàn bộ số thực nộp ngân sách của doanh nghiệp, bao gồm các khoản thuế, phí, các khoản phải nộp. Các doanh nghiệp có số nộp ngân sách trong năm tài chính gần nhất từ 100 tỷ đồng trở lên đều có thể được tham gia vào danh sách. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong danh sách năm 2024, thể hiện số thực nộp của năm tài chính 2023, có thể kể đến như ACB; DOJI; HDBank; LPBank; Masan Group; MoMo; OCB; PNJ; SHB; SSI; Techcombank; TPBank; Tập đoàn Hòa Phát; Tân Á Đại Thành; Tasco, Vingroup, VNG; VPBank; VIB, Vietbank, VPS…(xếp theo thứ tự bảng chữ cái)

Những

Xem thêm tại cafef.vn