Những dấu hiệu đáng quan tâm về giá cao su
Giá cao su được coi như bạn đồng hành với giá dầu thô bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy hai loại mặt hàng này luôn có diễn biến cùng chiều.
Những tháng đầu năm 2024, thị trường cao su quốc tế đã chứng kiến đợt tăng nóng trước khi quay đầu giảm. Giá cao su bứt phá trong thời gian gần đây xuất phát từ tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tình hình mưa lớn kéo dài kết hợp cùng cảnh báo bão và lũ lụt xảy ra tại Thái Lan, quốc gia cung ứng cao su lớn nhất thế giới khiến thị trường đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su toàn cầu.
Hơn thế, giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 là thời điểm thu hoạch thấp điểm tại các quốc gia Đông Nam Á. Kết hợp cùng việc chịu ảnh hưởng xấu từ thời tiết, càng khiến lo ngại về nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó hỗ trợ giá tăng.
Tuy nhiên, đợt tăng giá các tháng đầu năm 2024 có vẻ không phản ánh đúng tình hình thị trường. Theo các chuyên gia, trong thời gian qua giá cao su đã giảm quá lâu làm ảnh hưởng đến vùng trồng tái canh trên khắp Đông Nam Á và những vùng trồng trước đó nay đã tới thời kỳ thanh lý cây cao su. Dẫn đến việc làm giảm diện tích vùng trồng, một số nơi chuyển đổi làm khu công nghiệp và cây trồng của các nước Đông Nam Á.
Lấp một phần chỗ trống cho diện tích trồng cây cao su là một số diện tích đến từ các nước châu Phi, nhưng cũng không kéo lại được nguồn cung vẫn đang trong xu hướng giảm dần của khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2024 và dự báo sang cả năm 2025, thời tiết làm ảnh hưởng đến năng suất cho thu hoạch mủ cao su do nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến cây cao su thay lá non và bệnh phổi lá, làm giảm sản lượng cho mủ. Thêm vào đó là việc vào mùa khai thác thì ảnh hưởng thời tiết ngày nắng đêm mưa không khai thác mủ được.
Dự đoán, sản lượng năm nay mới bắt đầu bước vào chu kỳ giảm nguồn cung cho thị trường cao su thế giới cho tới năm 2027 – 2028 khi những vùng trồng mới sẽ bắt đầu vào kỳ thu hoạch. Bởi vậy giá mủ cao su trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên trong từng năm 2024, 2025 và cả năm 2026.
Đặc biệt, tháng 8/2024 giá mủ cao su bắt đầu tăng giá tuy nhiên mức độ sẽ dần tiệm cận “đỉnh” của giá mủ cao su đã từng lập 14 năm trước đây.
Theo các chuyên gia, ước sản lượng cao su thế giới chỉ đạt dưới 14 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ ở vào khoảng 15,8 triệu tấn.
Điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina cùng với bệnh rụng lá đang tác động tiêu cực đến nguồn cung cao su toàn cầu. Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện đang là thời điểm thu hoạch cao su, tuy nhiên lượng cao su đưa ra thị trường không nhiều. Tình trạng này đã khiến giá mủ chén và mủ tươi tăng mạnh ở nhiều thị trường địa phương. Giá mủ cao su và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 722 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, tuy có giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
https://doanhnghiephoinhap.vn/nhung-dau-hieu-dang-quan-tam-ve-gia-cao-su.html
Xem thêm tại vnrubbergroup.com