Những điểm sáng đầu năm
Sôi động sản xuất, đơn hàng khả quan
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 2/3/2024, về xuất khẩu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các FTA; thúc đẩy Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các động lực tăng trưởng mới gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. |
Trong 2 tháng đầu năm 2024, các khu vực kinh tế đều có chỉ số phát triển tốt, nông nghiệp phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%. Cùng với đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm, tháng 1 đạt 50,3 điểm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%, nhập khẩu tăng 18%, thặng dư thương mại 4,72 tỷ USD. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Đặc biệt, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Trong 2 tháng có trên 22,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%, nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41.000, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Ghi nhận từ các doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, hoạt động kinh doanh, thương mại đã có nhiều khởi sắc và sôi động hơn.
Tại Công ty Cổ phần M2 Việt Nam, vào giữa tháng 2/2024, Công ty đã khởi công xây dựng nhà máy M2 Factory Hưng Hà tại Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 148 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc M2 Việt Nam cho biết, dự án sẽ phục vụ cho các đơn hàng trong nước và xuất khẩu do nhu cầu thị trường may mặc dự kiến sẽ ngày càng tăng cao.
Cũng trong ngành dệt may, doanh thu 2 tháng năm 2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đạt 871 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn thông tin, lượng đơn hàng của TNG đã được lấp kín tại các nhà máy cho đến hết nửa đầu năm 2024 nhờ nhiều đối tác lớn tại Mỹ như Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco… đã bán hết hàng tồn kho... Do đó, trong năm 2024, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân.
GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS): Việt Nam đã có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế cùng sự “trỗi dậy” của một số doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao. Nhưng năng suất lao động của Việt Nam ở mức vừa phải, không có đột phá về năng suất như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi thực hiện các quy trình đơn giản hơn là thiết kế, sản xuất công nghệ cao đã phản ánh chất lượng đào tạo, trình độ công nghệ của Việt Nam… Điều này còn khiến Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào FDI để xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn “mờ nhạt” trong chuỗi giá trị toàn cầu… Do đó, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới. |
Với ngành thép, sau 2 năm chống chịu với nhiều khó khăn thì từ cuối năm 2023 đến nay, hoạt động kinh doanh đang ngày càng khởi sắc. Không chỉ doanh thu tăng và có lãi trở lại tại nhiều doanh nghiệp mà lượng đơn hàng cũng dần tăng trưởng cùng nhiều cơ hội hợp tác được mở ra. Tiêu biểu mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết đã xuất khẩu lô hàng ống thép đầu tiên vào chuỗi hệ thống bán lẻ có hơn 1.200 cửa hàng trên khắp Nhật Bản. Dự kiến trong thời gian tới, đối tác Nhật Bản sẽ sang Việt Nam trao đổi về các đơn hàng cho năm 2024 và có kế hoạch tiếp tục nhập thêm các dòng sản phẩm khác sau đơn hàng này.
Hơn nữa, nhìn vào những số liệu đạt được về xuất nhập khẩu có thể thấy, các doanh nghiệp trong nước đang cố gắng nỗ lực để đạt tăng trưởng cao. Theo đó, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024, khu vực kinh tế trong nước dù đạt giá trị thấp hơn, với 16,14 tỷ USD, thấp hơn nhiều con số 43,2 tỷ USD của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng lại có mức tăng trưởng ấn tượng khi lần lượt tăng 33,3% so với 14,7%. Kết quả này phần nào cho thấy số lượng đơn hàng cao cũng như khả năng tận dụng những cơ hội mở ra từ thị trường quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do của khối doanh nghiệp trong nước.
Làm sao để đáp ứng điều kiện và cơ hội?
Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn không ít hạn chế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý cho những bước tiến thời gian tới.
Chẳng hạn trong xuất khẩu cà phê, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho hay, nhu cầu cà phê trên thị trường thế giới tăng cao nên giá cà phê cũng tăng đáng kể. Nhưng vị này chia sẻ, dù có nhiều lời đề nghị mua hàng, song doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng phát sinh thêm ngoài kế hoạch bởi nguồn cung trong nước khó đáp ứng. Hiện sản lượng cà phê của Việt Nam không đổi nhưng một phần nguồn cung còn phải dành để bù cho các đơn hàng còn thiếu trước đó. Vì thế, nhiều đơn hàng đã phải dịch chuyển sang các quốc gia khác như Indonesia, Brazil…
Hay với một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, tình trạng không dám nhận thêm đơn hàng cũng diễn ra. Một phần nguyên nhân do thiếu nhân lực, nguyên phụ liệu, phần nhiều do năng lực nhà máy không đủ đáp ứng cả về chất lượng và số lượng từ yêu cầu của đối tác quốc tế.
Chính từ những vấn đề trên, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam là phải nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có kế hoạch liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị động, rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí bị phạt hợp đồng.
Về tận dụng cơ hội, đơn cử, Công ty Cổ phần Sao Ta cho biết, cơ hội từ thị trường quốc tế là lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm; cùng với đó là những biến động chính trị trên thị trường quốc tế cũng làm thay đổi cục diện thương mại, tác động gián tiếp và tạo ra một số cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam... Vì thế, doanh nghiệp này đã chuẩn bị tâm thế cũng như xây dựng kịch bản linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với biến động, trong đó tiếp tục duy trì các thị trường đang có, phát triển thị trường Nhật Bản và từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc... cũng như cải tiến đa dạng hóa sản phẩm nhưng phải phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần tiếp tục được thực hiện hiệu quả, quyết liệt và thực chất hơn. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng bình đẳng, thông thoáng để các doanh nghiệp có thể vận dụng hết khả năng và đạt được hiệu quả cao trong hoạt động.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn