Những DN muốn làm siêu cảng 2 tỷ USD tại Đà Nẵng: Đại gia Ấn Độ cam kết rót 10 tỷ USD vào Việt Nam “đấu” chủ đầu tư dự án 4,2 tỷ USD tại Hà Nội
Theo thông tin trên trang Công an thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo đó, Dự án cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) có chi phí tính toán sơ bộ khoảng 48.304 tỷ đồng.
Cụ thể, sẽ kêu gọi đầu tư 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng.
Đà Nẵng định hướng đầu tư xây dựng mới cảng biển Liên Chiểu là cảng hàng hóa và các bến công vụ, sà lan; công suất đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050, tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên, tàu container có sức chở đến 8.000 Teu.
Trong phần kêu gọi đầu tư, Đà Nẵng từng đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư 2 bến khởi động trong giai đoạn I với tổng chiều dài cầu cảng 750 m; các bến tiếp theo sẽ được triển khai sau.
Phương án 2 thực hiện kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu gồm 8 bến container; 6 bến tổng hợp cho giai đoạn đến năm 2050 (trong đó phân kỳ đầu tư đến năm 2030 là 2 bến container) với tổng diện tích 450 ha; lượng hàng thông qua đạt khoảng 50 triệu tấn.
Trong tờ trình này, Đà Nẵng đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) theo hướng tổng thể một lần theo quy hoạch (phương án 2).
Theo Báo Đầu Tư, phương án 1 đã có 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng và liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - Tập đoàn Adani (Ấn Độ) nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án.
Còn theo Công an thành phố Đà Nẵng, phương án 2 hiện cũng có một số nhà đầu tư lớn quan tâm như liên danh BRG – Sumitomo. Hoặc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Adani để có thể hình thành liên danh tham gia đầu tư bến cảng Liên Chiểu khi Thủ tướng thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư.
Các doanh nghiệp quan tâm đến dự án
Tập đoàn Adani xuất hiện trong cả 2 phương án. Adani là một trong các tập đoàn lớn nhất Ấn Độ. Riêng trong lĩnh vực đầu tư cảng biển, Adani thuộc nhóm 5 công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và là công ty hàng đầu tại Ấn Độ trong phát triển, vận hành cảng và hệ thống hậu cần tích hợp, chiếm 25% năng lực cảng của Ấn Độ. Tổng Giám đốc Karan Adani đã cho biết, Adani quyết định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD.
Công ty liên danh với Tập đoàn Adani trong phương án 1 là Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát, thành lập năm 2005, ông Trịnh Xuân Nghiệm là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật. Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Thanh Hoá, hoạt động đa ngành, từ xăng dầu, khai thác khoáng sản, dự án bất động sản, khách sạn… cho đến cung cấp nước tại khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn.
Anh Phát sở hữu các dự án: Bến cảng 3,4,5 Nghi Sơn (Tổng vốn đầu tư 1.626 tỷ); Tổ hợp Trạm dừng nghỉ cầu Ghép kết hợp các dịch vụ nhà hàng tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; Khu nhà ở Tiền Phương – Khách sạn Anh Phát 3; Khách sạn Anh Phát 2, Anh Phát Resort; Nhà máy nước Anh Phát; ...
Còn doanh nghiệp hợp tác với Tập đoàn Adani trong phương án 2 là VIMC (tên cũ là Vinalines) được thành lập năm 1995, theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. VIMC hoạt động trong các lĩnh vực: Vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương, đường thủy nội địa, đường bộ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải; Hoạt động điều hành cảng biển, cảng đường thủy nội địa; Hoạt động đại lý, giao nhận vận chuyển, logistics; khai thác kho bãi và lưu giữ hàng hóa.
Ngày 18/8/2020, Tổng công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và trở thành công ty đại chúng. Vốn điều lệ hiện nay gần 12.006 tỷ. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nắm giữ gần 99,47% vốn của VIMC.
Năm 2023, VIMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.814 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.690 tỷ, lần lượt giảm 11% và 33% so với cùng kỳ.
Tháng 5/2023, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC - Mã CK: MVN) cũng đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về chiến lược hợp tác phát triển vận tải biển, logistics với Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani (Trực thuộc của Tập đoàn Adani).
Đáng chú ý, CTCP Cảng Đà Nẵng(CDN) đề xuất đầu tư trong phương án 1 là công ty con do VIMC nắm 75% vốn, thành lập năm 2008, vốn điều lệ 990 tỷ. Năm 2023, Cảng Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.236 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 275 tỷ, lần lượt tăng 3% và 1% so với cùng kỳ. Cảng Đà Nẵng đầu tư vào 1 số dự án như Dự án Trung tâm dịch vụ Logistics Hoà Vang và dự án Đầu tư xây dựng khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 – Bến cảng Tiên Sa.
Còn liên danh BRG – Sumitomo trước đó đã hợp tác với nhau trong nhiều dự án như dự án Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD) và hợp tác phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam.
BRG Group được sáng lập bởi bà Nguyễn Thị Nga từ năm 1993, khởi tạo với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu. Đến hiện nay, Tập đoàn BRG đang cung cấp những sản phẩm và dịch vụ trong các lĩnh vực bao gồm khách sạn, vui chơi giải trí, bán lẻ, sản xuất và thương mại dịch vụ, bất động sản, tài chính, sân gôn… BRG được biết đến là 1 doanh nghiệp sở hữu các khách sạn, dự án bất động sản nằm ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Còn Tập đoàn Sumitomo là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản. Đến nay, Tập đoàn Sumitomo có mặt tại 65 quốc gia với gần 80.000 nhân viên trên toàn cầu, vốn chủ sở hữu 29,2 tỷ USD. Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…
Sumitomo ghi dấu tại loạt dự án lớn như: Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên), tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2…
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cuối năm 2021, SMBC đã hoàn tất thương vụ 1,4 tỉ USD mua 49% vốn FE Credit từ VPBank.
Ngoài các thương vụ kể trên, Sumitomo còn đầu tư vào mảng bảo hiểm của Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư và M&A giữa Sumitomo Life và Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Hiện, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên tới 22,09%, là cổ đông tổ chức lớn thứ 2 của Bảo Việt, chỉ sau Bộ Tài chính.
Xem thêm tại cafef.vn