Những dự án ngàn tỷ "đắp chiếu" - Bài 1: Nhà máy ngàn tỷ thành... đống sắt rỉ
LTS: Thực hiện ý kiến chỉ đạo qua bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm, Báo SGGP đã tổ chức nhiều vệt thông tin về chống lãng phí, trong đó có tổ chức nhóm p hóng viên đến nhiều tỉnh thành để “gỡ lớp bụi thời gian” những đại công trình có quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng bị “đắp chiếu” nhiều thập niên; những dự án “xí” đất… rồi để đó! Không chỉ tài nguyên quốc gia bị bào mòn bởi những dự án “đắp chiếu” kiểu này, mà đây còn là sự lãng phí khủng khiếp...
Đìu hiu như… bãi tha ma
Được khởi công từ năm 2009, nhưng đến nay gần 15 năm trôi qua, Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ vẫn “đắp chiếu”, trở thành đống sắt rỉ lớn nhất vùng trung du Phú Thọ. Từ cầu Trung Hà, PV Báo SGGP đến xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) để “mục sở thị” dự án này. Từ xa đã nhìn thấy một công trình xây dựng dở dang bị bỏ hoang từ hơn một thập niên qua. Cả một đại công trường im ắng như “chùa Bà Đanh”, không hề nghe tiếng máy móc, xe cộ vào ra, hay bóng dáng công nhân. Bên trong bờ rào, nhà cửa, phân xưởng mốc meo, cỏ mọc cao lút đầu người, trông đìu hiu như… bãi tha ma!
Ông K. (một bảo vệ nhà máy) cho biết, nhà máy đã bị đắp chiếu nhiều năm qua. Hàng chục hécta đất đang “nuôi” cỏ dại, nhóm bảo vệ tranh thủ “tăng gia” với bầy gà và ngỗng… PV Báo SGGP muốn đi sâu vào bên trong để tận mắt nhìn “đống sắt rỉ”, nhưng một bảo vệ tên Kh. đuổi ra, vì chưa có ý kiến của đơn vị sở hữu dự án. Một số người lớn tuổi ở những thôn, làng xung quanh dự án cũng gần như đã quên quê mình có một dự án xăng dầu sinh học rất lớn.
Vì từ lúc khởi công đến bây giờ, nó chưa một lần “nhả khói”. Ông Nguyễn Văn Vinh (71 tuổi, ở gần nhà máy) cho biết, hơn 15 năm trước, chính quyền địa phương thu hồi hàng chục hécta đất lúa của bà con giao cho chủ đầu tư dự án. Khi dự án sắp hoàn thành, lại dừng rồi “đắp chiếu” suốt từ năm 2011 đến nay. Rất xót xa cho sự lãng phí và thất thoát như thế này.
PV Báo SGGP tiếp tục đi vòng theo một quả đồi ra phía sau nhà máy. Nhiều người dân bức xúc cho biết, khi thu hồi đất, giá đền bù rẻ mạt, rồi đổ vào hàng ngàn tỷ đồng xây dựng nhưng lại “trùm mền” giữa chừng, không tạo ra công ăn việc làm gì cho bà con trong vùng. Phóng viên tiếp tục đến UBND xã Vạn Xuân và UBND huyện Tam Nông để tìm hiểu, được một Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, dự án do Trung ương quản lý, chính quyền địa phương không nắm rõ tình hình giải quyết, tiến độ tháo gỡ bế tắc của đại dự án này như thế nào.
Khi một dự án lớn bị đình trệ như này thì hậu quả là lãng phí kép. Tức là không chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất (han gỉ thiết bị), hoang hóa đất đai, chôn vùi tiền của đã đầu tư, mà còn khiến cả vùng nguyên liệu bị phá sản. Theo một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Tam Nông, khi bắt đầu xây dựng nhà máy này, Trung ương đã quy hoạch một vùng trồng nguyên liệu sắn (mì) bao phủ các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang… nhưng sau 2 năm trồng sắn, nhà máy vẫn không hoạt động!
Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 6-2009 trên diện tích 50ha chủ yếu là đất trồng lúa của người dân, vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng. Nhưng sau khi đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng (theo số liệu của Thanh tra Chính phủ) và sắp hoàn thành thì “đắp chiếu” từ năm 2011 đến nay, chưa cho ra một giọt xăng nào.
Nguyên nhân chủ yếu được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là chủ đầu tư đã chọn nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án, phải dừng thi công, bỏ dang dở. Cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đã xét xử phạt tù đối với những cá nhân đã gây hậu quả nghiêm trọng trong việc đầu tư xây dựng nhà máy.
Nguy cơ mất trắng
Ngược lên TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), PV Báo SGGP chứng kiến một dự án lớn “đắp chiếu” khác là công trình mở rộng (giai đoạn 2) của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Hàng ngàn tỷ đồng đã đưa vào xây dựng nhưng dự án sắp có nguy cơ phá sản, gây thiệt hại lớn cho ngành thép Việt Nam.
Cụ thể, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2) đã được khởi xướng từ năm 2005 với mục tiêu nâng thêm công suất của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Dự án này bao gồm các hạng mục quan trọng như lò cao, xưởng luyện gang, các dây chuyền công nghệ khác, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 3.800 tỷ đồng, trên tổng diện tích 108ha.
Đây là một dự án đầu tư công, do Nhà nước quản lý và cấp vốn. Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu thép cho thị trường trong nước và giảm nhập khẩu. Mặc dù được coi là một dự án trọng điểm trong ngành công nghiệp thép của Việt Nam và đã khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2013, nhưng đến nay, nhiều hạng mục của dự án vẫn chưa hoàn thiện.
Ghi nhận của PV Báo SGGP tại Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên cho thấy, hiện nay, hoạt động sản xuất thép chủ yếu chỉ tập trung ở các nhà máy đã có, do chưa thể mở rộng thêm phạm vi dự án và nâng công suất như mục tiêu, nên sản lượng và công suất còn hạn chế. Để có phôi thép cho các nhà máy cán thép, gần như một nửa nguyên liệu hiện phải nhập.
Tại cuộc làm việc mới đây, ông Nguyễn Minh Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), đã cập nhật tình hình và đề nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án lớn này. Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 là một trong những dự án trọng điểm của TISCO, được phê duyệt chủ trương đầu tư gần 20 năm trước.
Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống thiết bị công nghệ luyện kim đồng bộ từ khai thác mỏ đến sản xuất 500.000 tấn phôi thép mỗi năm, giúp chủ động sản lượng phôi thép cho sản xuất thép cán, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu (hiện tại phải nhập khẩu 50% phôi thép).
Tuy nhiên, dự án này đã thi công dở dang và “đắp chiếu” từ năm 2013 đến nay do các vướng mắc về vốn và hợp đồng với nhà thầu MCC (Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc). Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho công ty và các bên liên quan. “Tình trạng này đã gây ra dư luận không tốt trong xã hội, nhất là việc thanh tra, điều tra và khởi tố vụ án đã tác động lớn tới tư tưởng của công nhân viên chức - lao động”, ông Hạnh chia sẻ.
Theo Tổng Giám đốc TISCO, công ty đang tích cực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan quản lý như Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, Tổng công ty Thép Việt Nam… để xử lý những khó khăn của dự án này. Đến nay đã kiểm đếm vật tư, thiết bị và đề xuất 2 phương án xử lý, gồm: cho phép được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc, sau đó cho phép công ty được tiếp tục khôi phục dự án để không lãng phí tiền của nhà nước và doanh nghiệp đã đầu tư.
Trong trường hợp các đề xuất này không được thông qua, dự án có thể phải dừng lại hoàn toàn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như mất mát tài chính lớn của các cổ đông, các ngân hàng cho vay vốn và khiến hàng ngàn công nhân mất việc.
Tổng Giám đốc TISCO Nguyễn Minh Hạnh thông tin, nếu dự án tiếp tục bế tắc như hiện nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên sẽ đối mặt nguy cơ phá sản do phải phân bổ chi phí dở dang của dự án (khoảng 6.000 tỷ đồng), dẫn đến âm vốn chủ sở hữu (ước tính gấp hơn 2 lần so với vốn điều lệ). Nếu không có cơ chế tháo gỡ của các ngân hàng cũng như của các chủ nợ, sẽ dẫn đến việc công ty bị phá sản.
Thêm nữa, các cổ đông sẽ mất hết vốn đã đầu tư. Trong đó, Tổng công ty Thép Việt Nam ngoài việc mất số tiền đã đầu tư 1.196 tỷ đồng, còn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn cho đầu tư dự án (1.860 tỷ đồng). Tình trạng này cũng ảnh hưởng sâu rộng tới ngành thép Việt Nam khi thương hiệu TISCO có nguy cơ mất đi. Gần 4.000 người lao động mất việc làm, gây ra sự bất ổn lớn cho nền kinh tế ở địa phương.
Xem thêm tại cafef.vn