Những lưu ý khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán

Dòng tiền nhập cuộc mạnh ở phiên cuối tuần, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu Bất động sản và chứng khoán đã giúp thị trường ngập tràn sắc xanh và VN-Index tăng vọt gần 29 điểm, chốt tuần ở mức 1.252,23 điểm. Phiên hồi phục này đã giúp nhà đầu tư ổn định hơn tâm lý hơn. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Phiên tăng mạnh cuối tuần với dòng tiền lan tỏa tốt đã giúp tâm lý thị trường phấn khởi hơn sau những phiên ảm đạm trước đó, đây cũng là phiên bùng nổ theo đà giúp thị trường kỳ vọng về diễn biến tích cực hơn về xu hướng sắp tới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng bối cảnh thế giới lẫn Việt Nam vẫn đang có nhiều rủi ro, đặc biệt là tình hình địa chính trị với căng thẳng lên cao hơn bao giờ hết và qua đó xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn.

Về góc độ phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư cần chú ý chỉ số vẫn còn những ngưỡng cản chưa vượt qua được như MA50 hay vùng cung 1.260-1.280. Do đó, theo tôi, tuần tới thị trường có thể vẫn sẽ tiếp nối đà tăng phiên cuối tuần nhưng sẽ ít có khả năng tiếp tục tăng mạnh, mà đà tăng sẽ thu hẹp lại và xảy ra rung lắc ở những vùng cản này.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK DSC

Trong quá trình giao dịch 5 tháng trở lại đây, thị trường đã xuất hiện nhiều pha đảo chiều; tuy nhiên, không lần nào thị trường xuất hiện tín hiệu tăng kịch biên độ và lan tỏa tốt như hiện tại. Chính tín hiệu “phất cờ khởi nghĩa” lần này là điểm khác biệt mà chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể kỳ vọng xa hơn, thậm chí vượt qua vùng đỉnh gần nhất (ngưỡng 1.300 điểm).

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong phiên cuối tuần qua có thể gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư nhưng đó là kết quả của một giai đoạn tích lũy cả tuần từ trước đó. Chỉ cần hội tụ các yếu tố hỗ trợ và một cú hích mạnh từ một vài nhóm ngành dẫn dắt sẽ lôi kéo các dòng khác bùng nổ theo.

Tâm lý thị trường đã có phần lạc quan và kỳ vọng hơn ở phiên cuối tuần qua tuy nhiên áp lực bán sẽ gia tăng đáng kể hơn khi chỉ số VN-Index trở lại trên mốc 1.250. Thị trường có thể kỳ vọng giữ nhịp trên 1.250 nhưng có thể sẽ có vài phiên rung lắc nhẹ.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

TTCK sau khi hình thành khu vực vùng đáy kiểu mẫu hình "vai đầu vai" đảo chiều tăng (tín hiệu mạnh) đi kèm phiên "bùng nổ theo đà" ngày thứ Sáu đã xác nhận xu hướng tăng điểm cho thị trường giai đoạn tới, đặc biệt trong 2 tuần cuối tháng 8. VN-Index giao dịch tích cực và thậm chí có nhiều bất ngờ trong tuần tiếp theo.

Môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan đang là động lực để thị trường sớm phục hồi một cách bền vững hơn là việc “giảm sâu tăng sốc” như vẫn đang diễn ra trong giai đoạn vừa qua. Ông bà nhìn nhận đâu là những yếu tố hỗ trợ cho chỉ số VN-Index có thể quay lại mốc 1.300 điểm.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn có thể xem là "thiên thời địa lợi". NHNN vừa qua đã có động thái cắt giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang giảm dần.

Không chỉ vậy, Bộ Tài chính còn dự kiến trình giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Động thái này mặc dù tôi cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán nhưng nó là tín hiệu rằng NHNN và Chính phủ sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh tế thị trường khi điều kiện cho phép.

Điểm tích cực thứ hai là kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm hạ lãi suất vào cuối năm nay đã kích hoạt dòng vốn chảy sang các thị trường chứng khoán mới nổi. Theo quan sát của chúng tôi, trong tuần qua, không chỉ Việt Nam mà các thị trường chứng khoán khác trong khu vực Đông Nam Á cùng bắt đầu ghi nhận dòng vốn ngoại vào ròng.

Ngoài ra, còn một số yếu tố hỗ trợ khác mang tính dài hạn hơn như định giá thị trường hấp dẫn hay triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK DSC

Về chiến lược đầu tư, chúng tôi đánh giá các chỉ tiêu vĩ mô nội tại Việt Nam, tăng trưởng lợi nhuận các nhóm ngành, liên thị trường thế giới, và chu kỳ chỉ số, là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất đầu tư.

Như bảng trên, các chỉ tiêu vĩ mô Việt Nam đa số ở mức trung lập đến tích cực. Cùng với đó, chúng tôi đánh giá bối cảnh liên thị trường không xấu, chu kỳ chỉ số đang ở giai đoạn tích cực, và tăng trưởng lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp trên sàn đang đạt mức kỳ vọng của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhìn lại kết quả lợi nhuận quý II vừa qua là con số khá lạc quan với lợi nhuận tổng của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ. Đây là con số rất ấn tượng so với các năm trước đó và đánh dấu nhiều nhóm ngành quay lại giai đoạn tăng trưởng như bán lẻ, dệt may, chứng khoán, hàng không, dầu khí, thép…

Nội tại doanh nghiệp đang tốt dần lên cùng với tình hình vĩ mô ổn định là yếu tố hỗ trợ thị trường giữ nhịp tốt trong thời gian tới. Sẽ có vài đợt rung lắc theo các cơn sóng ngắn hạn nhưng thị trường chung vẫn sẽ theo hướng gia tăng dần và mốc 1.300 có thể sớm chinh phục trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Số liệu tăng trưởng GDP ấn tượng 6 tháng đầu năm, số liệu PMI, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ - chỉ số P/E toàn thị trường đã giảm về mức thấp trong khi mặt bằng kinh doanh của các doanh nghiệp có sự cải thiện hơn so với năm ngoái.

Ngoài ra,một số bước tiến mới liên quan đến tháo gỡ nút thắt trong quá trình nâng hạng thị trường chưa kể TTCK toàn cầu đang có những phiên hồi phục mạnh mẽ trước động thái sớm nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương. VN-Index có thể quay lên mốc 1.300 điểm ngay trong tháng 8.

Ngược lại, đâu là những lực cản mà thị trường đang phải đối mặt, theo các ông/bà?

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Nguyên nhân chính khiến thị trường chịu sức ép trong thời gian qua và cũng có thể là rào cản đối với khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn đó là yếu tố dòng tiền. Bên cạnh đó còn có những yếu tố khó lường bên ngoài như những sự bất ổn của kinh tế toàn cầu hay căng thẳng địa chính trị leo thang tôi đề cập bên trên có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK DSC

Gần đây nhiều nhà đầu tư nảy sinh lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới. Diễn biến các chỉ số chính của TTCK Mỹ phản ánh lo ngại về suy thoái và nguy cơ thoái trào của làn sóng AI.

Tuy nhiên cá nhân tôi không quá lo ngại cho xu hướng thị trường nửa cuối năm. Kiểm chứng trong quá khứ, khi bối cảnh vĩ mô trong nước (và đặc biệt là bối cảnh chính sách tiền tệ) ủng hộ, chỉ số VNIndex rất khó điều chỉnh sâu hơn mức 10% từ khu vực đỉnh gần nhất.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các yếu tố trong nước đang dần ổn định hơn nhưng bù lại những yếu tố bên ngoài như tình hình chính trị thế giới vẫn đang gia tăng căng thẳng và gây nên các đợt sóng xáo trộn về nguồn cung và giá cả nguyên vật liệu sẽ tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu và dĩ nhiên thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đây là những yếu tố cần thường xuyên theo dõi và đó là điều nhạy cảm nhất với thị trường hiện tại.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định, mối lo ngại rủi ro địa chính trị, khối ngoại vẫn chưa cho thấy sự đảo chiều mua ròng bởi việc bán ròng trong cả năm 2024. Bức tranh tích cực của toàn thị trường vẫn còn tồn tại những gam màu tối khiến các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng chưa dám giải ngân mạnh.

Xét về nhóm ngành, như đã nói trên nhóm chứng khoán và bất động sản đã có phiên giao dịch khá bùng nổ. Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, việc sớm áp dụng “prefunding” cũng là câu chuyện hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này tăng tốc. Nếu chọn đầu tư vào nhóm cổ chứng, đâu là điều nhà đầu tư cần lưu ý trong việc lựa chọn “trúng và đúng” theo ông/bà?

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Nhóm cổ phiếu chứng khoán luôn là sự lựa chọn yêu thích của PHS trong năm 2024. Ngoài câu chuyện về nâng hạng thị trường, sự cải thiện trong thanh khoản thị trường cũng giúp cho nhóm chứng khoán có triển vọng lợi nhuận khả quan, và có một số công ty sẽ có sự nổi trội hơn.

Theo quan điểm của tôi, việc áp dụng “prefunding” là yếu tố rất quan trọng nhằm tháo gỡ nút thắt cho việc nâng hạng thị trường. Và tôi lưu ý rằng, cơ chế “prefunding” chỉ áp dụng đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Vì vậy, các CTCK có thế mạnh với mảng khách hàng tổ chức sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của chúng tôi đối với câu chuyện về nâng hạng & prefunding.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK DSC

Nếu làm trong ngành chứng khoán, gần như ai cũng đều hiểu rõ khả năng cạnh tranh phân khúc khách hàng tổ chức nước ngoài của các CTCK top đầu. Các CTCK vừa và nhỏ gần như không có đủ thương hiệu, nguồn lực, và mạng lưới mối quan hệ để lôi kéo nhóm nhà đầu tư này.

Do đó nếu nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng đầu tư theo câu chuyện nâng hạng, bám theo khả năng cho phép “prefunding” trong thời gian sắp tới, thì lựa chọn tối ưu sẽ là các CTCK như HCM, VCI.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong các nhóm ngành trên thị trường thì nhóm ngành chứng khoán vẫn duy trì sức bền tốt nhất tuy nhiên lợi nhuận nhóm ngành này không ổn định mà sẽ biến động theo các đợt tăng giảm của thị trường.

Với thanh khoản chung của thị trường đang ngày càng gia tăng và lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng là một yếu tố cộng thêm giúp cho ngành chứng khoán có thêm nhiều sự kỳ vọng tăng tốc mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp có vốn lớn, thị phần ổn định và các khoản đầu tư dài hạn vững chắc sẽ là các công ty ưu tiên lưu ý hơn so với nhóm còn lại.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhóm tài chính vẫn là nhóm lưu ý và có sự ưu tiên nhất nhật bởi yếu tố dẫn dắt thị trường trong pha hồi phục và kể cả trong các pha tăng điểm lớn. Những cổ phiếu đầu ngành tiềm năng, cổ phiếu có yếu tố " cổ đông ngoại" cổ phiếu ít bị pha loãng và nhất là doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh khả quan ổn định sẽ được ưu tiên hơn.

Nhóm bất động sản cũng đang có những chuyển động khá tích cực khi hàng loạt cổ phiếu “tím trần” ở phiên cuối tuần. Tuy nhiên, với những diễn biến của thị trường trong giai đoạn gần đây, sóng cổ phiếu theo ngành thường không duy trì đủ dài, thậm chí không kịp T+2. Ông bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro với nhóm cổ phiếu chứng khoán khi nhìn ở góc độ ngắn hạn?

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Bất động sản hiện là một trong các nhóm gây thất vọng nhất trong năm nay khi liên tục tìm đáy mới dù được ủng hộ về mặt thay đổi chính sách theo chiều hướng tích cực.

Ở nhịp tăng hiện tại, nhóm này cũng chưa có dấu hiệu cải thiện sức mạnh tương đối, mà chỉ đang ăn theo nhịp hồi của thị trường chung, kết hợp với đặc điểm biến động mạnh của nhóm này đã dẫn đến hiện tượng tím hàng loạt trong phiên cuối tuần.

Với những nhóm có sức mạnh tương đối ở mức yếu như bất động sản sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi xu hướng thị trường chung, do đó để tham gia nhóm này, nhà đầu tư cần đánh giá được nhịp tăng của thị trường có còn kéo dài hay không; bên cạnh đó, xu hướng của phần lớn cổ phiếu trong nhóm bất động sản vẫn đang là giảm, phiên tăng mạnh cuối tuần đã kéo nhóm này về gần cản, do đó nếu không có nhịp điều chỉnh tích cực trở lại thì rủi ro sẽ cao hơn cơ hội trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi nếu nhóm này tiếp tục tăng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK DSC

Kể từ đầu năm 2024, tình trạng “hồi không đủ T+” đúng là có xảy ra ở nhóm bất động sản. Những biến chuyển của thị trường bất động sản bên ngoài sàn, gần như chưa có tác động đến các doanh nghiệp trên sàn. Tuy nhiên bộ phận phân tích DSC vẫn tin tưởng rằng nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ở thời điểm “bước ngoặt”, với nhiều dự án đi vào giai đoạn bàn giao trong bối cảnh thị trường thuận lợi hơn.

Trong ngắn hạn, để lựa chọn cổ phiếu bất động sản, chúng tôi không khuyến nghị với nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Trung hạn chúng tôi đang quan tâm hai nhóm (1) doanh nghiệp bất động sản an toàn (như NLG, KDH) và tránh mua đuổi giá, hoặc (2) các cổ phiếu tiệm cận mức giá thấp nhất trong nhiều năm, nhưng có khả năng “sống sót” cao sau chu kỳ 2024 – 2025.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Những vấn đề nội tại của nhóm bất động sản hiện vẫn chưa tháo gỡ và một yếu tố khác là thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên trong thời gian tới vì vậy hầu hết các công ty bất động sản hiện tại vẫn đang cơ cấu lại tài sản và cần một thời gian để tái cấu trúc lại hoạt động theo hướng bền vững hơn.

Dù vậy, cũng có thể thấy giá nhiều cổ phiếu đã ở mức rất thấp so với lịch sử của ngành vì vậy chỉ cần một tin tức nhỏ hỗ trợ cũng sẽ kích thích dòng tiền tham gia. Nhìn về xu hướng chung thì giá các cổ phiếu nhóm bất động sản chưa khẳng định đáy nhưng tình hình sẽ không xấu thêm từ nay đến cuối năm vì vậy nhà đầu tư ngắn hạn có thể lựa chọn các nhịp sóng để đầu tư nhóm ngành này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhóm cổ phiếu bất động sản là nhóm ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng âm trong năm nay vẫn là nhóm mà các nhà đầu tư cần thận trọng, xem xét kỹ lưỡng và chọn lọc kỹ trước khi đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn hóa lớn đôi khi không phải là trọng tâm đầu tư mà có thể là các doanh nghiệp vốn hóa trung bình. Các doanh nghiệp bất động sản có thể phải trải qua một đợt tái cấu trúc, nội lực, tiềm năng quỹ đất, chiến lược, tiềm lực tài chính sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp bất động sản vượt khó thành công.

Trong ngắn hạn, yếu tố cung cầu chi phối sẽ còn sớm để đánh giá cổ phiếu bất động sản sẽ là tiềm năng cho dù một số cổ phiếu đã giảm về mức giá thấp. Ít nhất trong pha hồi phục cơ hội T+ sẽ có ở nhiều cổ phiếu, còn về đường dài, nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chuẩn đầu tư.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn