Những ngân hàng dự kiến trả cổ tức cao

Mùa đại hội đồng cổ đông đang cận kề, một trong những vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là phương án chia cổ tức. Đối với ngành ngân hàng, 2023 là một năm thách thức nhiều hơn cơ hội. Kết quả kinh doanh cũng phân hoá rõ rệt. Cùng với đó, các ngân hàng cũng điều chỉnh về tỷ lệ và phương án phân phối lợi nhuận.

Thuộc nhóm ngân hàng cổ phần có lợi nhuận vượt ngưỡng 1 triệu USD, ngân hàng Techcombank hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, lợi nhuận đạt gần 22.900 tỷ đồng. Với kết quả tích cực, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Techcombank dự kiến trình cổ đông mức chi trả cổ tức năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi, cổ đông của Techcombank sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Trước đó, Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner từng cho biết, 10 năm trước, ngân hàng quyết định không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Vị thế và năng lực của Techcombank đã lớn mạnh hơn. Techcombank đã có khả năng vừa trả cổ tức, vừa bảo đảm tái đầu tư ổn định kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng.

Cũng có kết quả kinh doanh khả quan, Ngân hàng MB dự tính chi trả cổ tức với tỷ lệ khoảng 20%. MB ghi nhận một năm thành công khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Theo kế hoạch, nhà băng này dự kiến duy trì chính sách cổ tức ổn định và trả cổ tức với tỷ lệ khoảng 20% qua cả hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu.

Tại Hội nghị nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái tái khẳng định dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, MB đã thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, ACB cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, ACB lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, tổng cộng khoảng 19.886 tỷ đồng. Cụ thể, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

VIB vừa công bố tài liệu cho ĐHĐCĐ thường niên 2024 ( sẽ được tổ chức vào ngày 2/4). Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%.

Vào hồi cuối tháng 1/2024, VIB cũng thông tin về việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. Theo đó, VIB đã chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 600 đồng. Kết thúc năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng.

Ngân hàng VPBank có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Lãnh đạo ngân hàng này từng chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2023, với tiềm lực hiện tại, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép dùng 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm chia cho cổ đông.

Trong khi đó, một số ngân hàng lại muốn chia cổ tức để tăng vốn. Nằm trong nhóm này là ông lớn BIDV. Trước đó, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết ngân hàng đã đề nghị Chính phủ cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận giữ lại nhằm củng cố nguồn lực, có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế.

LPBank cũng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng.

Nam A Bank năm nay cũng dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.



Xem thêm tại cafef.vn