Những ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt 'mát lòng' nhà đầu tư
Thị trường đang bước vào giai đoạn sôi nổi nhất của mùa họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Bên cạnh định hướng phát triển kinh doanh của các ngân hàng, câu chuyện chia cổ tức luôn là vấn đề "nóng" được nhiều người quan tâm. Việc chi trả cổ tức giống như một “lời tri ân” mà ngân hàng gửi đến các cổ đông khi họ vẫn luôn đồng hành cùng ngân hàng vượt qua những “thăng trầm" của thị trường trong thời gian qua.
Sang năm 2024, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ cao. Đặc biệt, trong năm này, bên cạnh việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, không ít nhà băng dự tính phương án trả cổ tức bằng tiền mặt. Việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt là niềm vui đối với cổ đông sau một thời gian dài nhóm “cổ phiếu vua” gặp khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc khoản đầu tư bấy lâu nay đã mang được về "tiền tươi thóc thật".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng khiến cổ đông “thất vọng" khi không đặt mục tiêu chia cổ tức trong phân phối lợi nhuận năm 2024. Phần lợi nhuận còn lại sẽ được các ngân hàng này đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính.
Nhiều ngân hàng vẫn “cần mẫn" trả cổ tức bằng tiền mặt
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ tổ chức ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank - Mã: HDB) trình kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, gồm 10% tiền mặt 20% cổ phiếu. Có thể thấy, sau hơn 1 thập kỷ tăng trưởng cao và liên tục, HDBank luôn thực hiện truyền thống chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao. Theo đó, trong năm 2024, Ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 29.076 tỷ đồng lên 33.645 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, giúp nâng cao hơn nữa các chỉ tiêu sức khỏe tài chính, vốn đã ở mức cao trong ngành. Đây có thể coi là nền tảng chiến lược phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Ngoài việc chia cổ tức đều đặn mỗi năm, cổ đông của HDBank cũng nhận được “cơn mưa" lợi nhuận khi cổ phiếu của ngân hàng này luôn thuộc nhóm tăng thị giá mạnh nhất. Năm 2024, đà tăng giá của cổ phiếu HDB tiếp tục được duy trì. Theo dữ liệu từ FiinGroup, cổ phiếu này đã tăng 19% trong 3 tháng đầu năm, là một trong số ít các cổ phiếu “vua” lập đỉnh. Nhiều chuyên gia tại các công ty chứng khoán đánh giá HDB là cổ phiếu nền có cơ bản tốt, nhiều dư địa tăng trưởng và vẫn còn triển vọng tăng giá trong dài hạn.
Năm 2023 là một năm đầy ấn tượng trong quá trình phát triển của HDBank khi tổng tài sản tăng trưởng vượt bậc đến 44,7% so với cùng kỳ, đạt gần 602.315 tỷ đồng. Kết quả này đã giúp HDBank dẫn đầu trong top các các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản cao nhất năm 2023. Không chỉ tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi tăng 26,8% so với năm 2022, đạt 13.017 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của Ngân hàng. Đến năm 2024, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản lên đến 16%, đạt 700.958 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng “phấn đấu” đạt 15.852 tỷ đồng năm 2024, tăng 22% so với năm trước.
Tổng tài sản của HDBank trong 5 năm gần nhất và kế hoạch năm 2024 |
VPBank cũng là một trong số ít ngân hàng “cần mẫn” chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Theo đó, ngân hàng này dự kiến sẽ trả toàn bộ cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.933 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Sang năm 2024, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản lên 19% so với năm trước, đạt 974.270 tỷ đồng.
Bên cạnh HDBank và VPBank, nhiều ngân hàng cũng tiếp tục đề ra kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Cụ thể, TPBank đã thông qua đề xuất chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó, 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. ACB dự tính chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cũng được đề xuất tại nhiều ngân hàng như Eximbank (3%), SHB (5%), MBBank (5%) và VIB (12,5%).
Trong kế hoạch chia cổ tức tiền mặt, Techcombank là nhân tố gây bất ngờ nhất với việc trả cổ tức và thưởng trong năm 2024 lên tới 115%. Theo đó, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15% và cổ phiếu tỷ lệ 100% cho năm 2023. Đây sẽ lần đầu tiên Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 1 thập niên.
Nhiều ngân hàng khiến cổ đông “chờ dài cổ" vì không chia cổ tức
Sacombank lập chuỗi gần 1 thập kỷ không chia cổ tức, khiến cổ đông của ngân hàng này không khỏi bức xúc. Theo đó, trong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, Sacombank chỉ đưa ra kế hoạch trích quỹ khen thưởng và phúc lợi mà không đề cập đến phương án chia cổ tức. Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Dương Công Minh cho biết, do Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, nên chưa đáp ứng được các điều kiện để chia cổ tức. Cụ thể ở đây là việc xử lý cổ phiếu STB thuộc sở hữu ông Trầm Bê và người có liên quan để thu hồi nợ chưa thực hiện được. Vị lãnh đạo khẳng định sau khi hoàn tất việc xử lý cổ phiếu và được Ngân hàng Nhà nước cho phép sẽ triển khai chia cổ tức cho cổ đông.
Bên cạnh đó, ABBank cũng gây “thất vọng” với cổ đông khi lãnh đạo Ngân hàng đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối để bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Điều này đồng nghĩa các cổ đông sẽ không được nhận cổ tức. Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank giải thích Ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng để phát triển.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn