Những nhà băng nào sẽ nhận 3 ngân hàng chuyển giao bắt buộc trong năm nay?
Ngày 20/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.
Theo đó, trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), 3 ngân hàng Xây dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.
Năm ngoái, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng này và Ngân hàng Đông Á - nhà băng bị kiểm soát đặc biệt.
4 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Ảnh: VnEconomy |
Những ngân hàng có kế hoạch nhận chuyển giao một ngân hàng khác
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, phương án Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém là một ngân hàng thương mại đã được thông qua. Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng cho biết, điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích dài hạn cho VPBank và cả hệ thống tài chính.
Xét về mặt năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu “ngân hàng 0 đồng”. Đặc biệt khi các ngân hàng này đều ghi nhận lỗ luỹ kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ. Nếu chỉ xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không thiết tha gì với việc tham gia hỗ trợ “ngân hàng 0 đồng”.
Tuy nhiên, sự tham gia của SMBC đã giúp VPBank có nền tảng vốn lớn, đủ khả năng tham gia cơ cấu “ngân hàng 0 đồng”. Điều này có thể không mang lại lợi ích tài chính, nhưng giúp ngân hàng tăng tốc độ mở rộng. Trong đó, việc tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn và khả năng được nới "room ngoại" lên trên 30% là lợi ích VPBank hướng tới. Ngân hàng
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Ngân hàng nhận chuyển giao là CBBank. Ngoài ra, Vietcombank cũng thành lập tiểu ban rà soát giải pháp hỗ trợ đối với bán buôn, bán lẻ cho TCTD yếu kém nhận chuyển giao.
"Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập, …", Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Quân đội (MBBank) cũng đã hoàn tất thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng sẽ xong trong năm 2024 hoặc năm 2025, nếu Chính phủ phê duyệt. Tổng Giám đốc MBBank, ông Phạm Như Ánh khẳng định, ngân hàng mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này để "mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng".
Tuy nhiên, MB không sáp nhập ngân hàng, mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi được nhận về, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Hết thời gian cơ cấu, MB mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập, thoái vốn hay không.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn