Những sếp ngân hàng tuổi Thìn nổi danh

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV

Ông Phan Đức Tú được giới thiệu sinh ngày 22/12/1964 (Giáp Thìn), quê quán tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Ông Tú có bằng thạc sĩ kinh doanh. Ngoài ra, ông Tú còn có bằng cử nhân luật và cử nhân Học viện Ngân hàng.

Ông Tú gia nhập Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) từ năm 1987 với vai trò Phó Giám đốc, sau đó thăng lên làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Quảng Ngãi kiêm Giám đốc Ban Tổ chức cán bộ BIDV.

Bên cạnh đó, ông Tú còn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt. Ông cũng là Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty TNHH đầu tư và phát triển Campuchia (IDDC).

Tại Công ty TNHH hai thành viên đầu tư phát triển Quốc tế, ông Tú cũng là Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành.

Từ tháng 12/1998 đến tháng 02/2005, ông Tú được bầu làm chức vụ Giám đốc Chi nhánh BIDV Quảng Ngãi.

Từ tháng 3/2005, ông giữ chức vụ Giám đốc Ban tổ chức cán bộ BIDV trong 2 năm; kiêm nhiệm Phó Tổng Giám đốc BIDV từ tháng 6/2007 đến ngày 30/4/2012.

Từ ngày 01/05/2012, ông Tú đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV.

Kể từ ngày 15/11/2018 đến nay, ông Tú chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT BIDV. Ngay khi trở thành lãnh đạo cao nhất của BIDV, ông Tú đã được Ngân hàng Nhà nước cử làm người đại diện 40% vốn nhà nước tại BIDV và trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 ông được phê chuẩn giữ chức Bí thư Đảng ủy BIDV.

Từ khi là “vị thuyền trưởng” BIDV, ông Tú đã giúp nhà băng có nhiều chuyển biến tích cực.

Cuối năm 2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 2,26 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 26.750 tỷ đồng.

Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank (hơn 41.000 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch LPBank 

   Chủ tịch LPBank Nguyễn Đức Thụy

Ông Nguyễn Đức Thụy (hay còn được gọi là bầu Thụy) sinh năm 1976 (Bính Thìn), quê quán tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Ông Thụy được giới thiệu tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Colorado State (Mỹ).

Bầu Thụy là con của người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành - Nguyễn Xuân Thành. Ông Thụy là doanh nhân có tiếng trên thị trường.

Trước khi dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng, bầu Thụy từng làm chủ tịch và lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, năng lượng, xi măng...

Năm 2007, ông Thụy nhậm chức Chủ tịch HĐQT công ty từ người cha doanh nhân. Năm 2015, doanh nghiệp đổi tên thành Thaigroup như hiện tại.

Năm 2011, ông Thụy là Chủ tịch CLB Bóng đá Sài Gòn Xuân Thành và Chủ tịch Công ty Chứng khoán Xuân Thành. Năm 2012, 2013, ông Thụy tiếp tục làm Chủ tịch Công ty Xi măng Xuân Thành Hà Nam, Chủ tịch Công ty Xi măng Xuân Thành Quảng Nam.

Năm 2016, ông Thụy ghi dấu ấn với việc tiếp quản Công ty CP Kim Liên, đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên với cương vị Chủ tịch. Năm 2017, 2018, ông đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Công ty Điện Mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận, Điện Mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk.

Ông là người sáng lập Công ty cổ phần Thaiholdings (THD). Ông Thụy cũng từng là Chủ tịch Tập đoàn Thai Group, Công ty cổ phần Thaiholdings, Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc.

Tên tuổi của vị doanh nhân gốc Ninh Bình còn gắn liền với nhiều khu đất vàng tại thủ đô, đặc biệt là dự án khách sạn Kim Liên. 

Ngoài ra, ông còn được nhiều người biết đến ở lĩnh vực bóng đá. Giai đoạn 2011 - 2013, bầu Thụy giữ vai trò Chủ tịch CLB bóng đá Sài Gòn Xuân Thành. Với việc mạnh tay chi hàng chục tỷ đồng để đưa các ngôi sao về đội. Khi ấy, ông được giới chuyên gia đánh giá là tiêu biểu cho khẩu hiệu "cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền".

Bên cạnh đó, ông Thụy cũng từng nổi tiếng với thú chơi đồ xa xỉ khi sở hữu loạt xe siêu sang trị giá, điện thoại đắt tiền.

Trong giai đoạn gần đây, bầu Thụy thường xuyên xuất hiện trên khán đài sân Hàng Đẫy mỗi trận CLB Công An Hà Nội thi đấu, việc này có thể báo hiệu ông Thuỵ sẽ trở lại với niềm đam mê bóng đá. Cách đây không lâu, LPBank của ông Thụy cũng trở thành đối tác toàn diện của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Sau thỏa thuận này, đội bóng của bầu Đức được đổi tên thành LPBank - HAGL.

Bầu Thụy được bầu vào HĐQT LPBank (mã chứng khoán: LPB) từ cuối tháng 4/2021 và làm phó chủ tịch ngân hàng này khoảng một tuần sau đó.

LPBank bầu ông Thụy vào HĐQT với mong muốn có thêm hệ thống mạng lưới khách hàng tiềm năng từ hệ sinh thái của Tập đoàn Xuân Thành.

Kể từ tháng 12/2022, ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT LPBank.

Trong năm đầu tiên mà bầu Thụy dẫn dắt LPBank, nhà băng này lãi hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Với thế mạnh sở hữu mạng lưới hàng đầu cả nước hơn 1.000 điểm giao dịch, bầu Thụy cũng đặt mục tiêu thay đổi toàn diện LPBank trong những năm tới, trở thành ngân hàng bán lẻ top đầu thị trường.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank

  Ông Phạm Toàn Vượng

Ông Phạm Toàn Vượng sinh năm 1976 (Bính Thìn),  là Thạc sĩ kinh tế. Ông gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) từ năm 1999. Ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Agribank từ tháng 12/2022.

Trước đó, năm 2015, ông Phạm Toàn Vượng được bầu làm Phó Tổng giám đốc Agribank. Khi cựu Tổng giám đốc Tiết Văn Thành xin từ nhiệm về hưu, ông Vượng đã được chọn Phụ trách ban điều hành thay ông Thành trong vòng 2 tháng trước khi có quyết định bổ nhiệm chính thức.
Ngoài ra, ông cũng giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên từ tháng 12/2022.

Dưới sự dẫn dắt của ông Vượng, Agribank đã có kết quả kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, trong năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông".

Ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm trước. Song con số này vẫn thấp hơn mục tiêu mà ngân hàng đã đề ra vào cuối tháng 5/2023 là 26.200 tỷ đồng.

Bà Trần Tuấn Anh - Tổng giám đốc VietBank



Bà Trần Tuấn Anh sinh năm 1976 (Bính Thìn), có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và từng giữ nhiều chức vụ từ quản lý đến điều hành, quản trị tại các tổ chức tín dụng.

Bà Tuấn Anh có trình độ Cử nhân Tài chính Ngân hàng, Thạc sĩ Luật trường Đại học Luật TP. HCM. Bà từng là Phó phòng dịch vụ địa ốc, Trưởng ban Pháp chế tại HDBank; Trợ lý Tổng giám đốc kiêm Trưởng phòng Pháp chế, Thành viên HĐQT chuyên trách kiêm Phó tổng giám đốc tại Ngân hàng Bản Việt (BVBank); Phó Tổng giám đốc, Quyền Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank).

Bà Trần Tuấn Anh rời ghế Tổng Giám đốc Kienlongbank từ tháng 10/2021 và tham gia công tác tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) với vai trò Trợ lý Chủ tịch HĐQT từ tháng 7/2023.

Ngày 14/8/2023, bà Trần Tuấn Anh chính thức được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VietBank.

Dưới sự dẫn dắt của bà Trần Tuấn Anh, Vietbank có kết quả kinh doanh đáng ghi nhận.

Lũy kế cả năm 2023, Vietbank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Nhà băng báo lãi ròng trước thuế hơn 812 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt 647 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 111,3 tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn