Những “tham vọng” và đề xuất của khối doanh nghiệp nhà nước
Đảm bảo đủ điện, mạnh dạn đầu tư phát triển
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trên toàn quốc vào ngày 3/3, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, để có tăng trưởng thì phải có đầu tư, nên trong năm 2024, Viettel sẽ mạnh dạn đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực hạ tầng, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số…
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2023, cả nước có 676 DNNN, nắm giữ số tài sản trị giá hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Vì thế, DNNN luôn được xác định có vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, những kế hoạch kinh doanh đặt ra tại các DNNN luôn có ý nghĩa lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế. |
“Năm nay, Viettel sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc. Tập đoàn sẽ đầu tư gần 30.000 tỷ đồng để đẩy mạnh tần số bao gồm hệ thống kết nối đến các vùng sâu vùng xa. Đồng thời là tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn để các doanh nghiệp lớn như Amazon, Microsoft có thể đặt những trung tâm dữ liệu lớn...”, ông Tào Đức Thắng nêu rõ.
Cũng về kế hoạch năm 2024, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt. Trong đó sẽ đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống; đẩy nhanh, tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện với khối lượng đầu tư 102.000 tỷ đồng…
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự báo năm 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức với thị trường hàng không. Nhưng 2 tháng qua, lượng khách quốc tế đã tăng trở lại nên doanh thu, lợi nhuận cũng đều tăng và vượt kế hoạch.
Ông Thanh thông tin, hiện ACV đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt 3 đề án quan trọng là chiến lược phát triển, tái cơ cấu, đầu tư xây dựng cơ bản trung hạn. ACV đang triển khai đồng loạt các dự án với tổng mức đầu tư là 138.000 tỷ đồng trên tổng số 165.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2021-2025, bảo đảm thực hiện kế hoạch trung hạn.
Đặc biệt, ACV đang quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo Chính phủ để dự án trọng điểm Tân Sơn Nhất sẽ về đích trước 2 tháng để kịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 2025, hay với Dự án Sân bay Long Thành cũng phấn đấu về đích tối thiểu trước 2 tháng…
Trong ngành nông nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD1) khẳng định, năm 2024 là năm tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo và các nhà nhập khẩu hiện nay vẫn tiếp tục có kế hoạch để triển khai, vì thế, người nông dân hoàn toàn có lãi và tiếp tục tăng sản lượng. Vì thế, bà Tâm cho rằng, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò chủ yếu của nền kinh tế, trong đó ngành hàng lúa gạo là điểm sáng.
Là DNNN hoạt động theo mô hình cổ phần và đã niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex Bình Dương bày tỏ, mục tiêu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, Becamex sẽ phấn đấu sau năm 2025 là doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán từ 5 tỷ USD trở lên.
Trong lĩnh vực khai thác cảng, ông Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận định, tình hình cạnh tranh khai thác cảng và dịch vụ logistics ngày càng gay gắt, nhưng ngành cảng biển và dịch vụ logistics sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia vào các FTA thế hệ mới.
Do đó, năm 2024, Tân Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu tăng trưởng trên 5% cho các chỉ tiêu kinh tế cơ bản. Tổng Công ty cũng xác định là đơn vị tiên phong đại diện cho cả nước trong triển khai số hóa cảng biển theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành. Trong đó, dự án bến 7, 8 Lạch Huyện ở Hải Phòng mới được chấp thuận chủ trương đầu tư của Tổng Công ty dự kiến cũng là cảng tiên phong áp dụng công nghệ bán tự động trong khai thác và xếp dỡ...
Giúp DNNN kinh doanh chủ động và hiệu quả
Nhưng để thực hiện được những mục tiêu trên, lãnh đạo các DNNN cũng bày tỏ nhiều mong muốn, kiến nghị đến cơ quan chức năng.
Như với Tân Cảng Sài Gòn, ông Nguyễn Năng Toàn kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) nhằm phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của người quản lý DNNN. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm, tạo điều kiện để Tổng Công ty được tiếp nhận, đầu tư và khai thác các cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược, trọng yếu nhằm tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt mở đường của DNNN.
Chủ tịch Tân Cảng Sài Gòn còn đề nghị Bộ Tài chính xem xét cấp vốn trung và dài hạn đảm bảo cho Tổng Công ty được phát triển các dự án trọng điểm, cụ thể là chấp thuận và tạo điều kiện để Tổng Công ty tăng vốn điều lệ từ 6.931 tỷ đồng lên 10.445 tỷ đồng.
Với các doanh nghiệp ngành lúa, gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm đề xuất, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ vì các doanh nghiệp cần có hợp đồng để triển khai và đặc biệt là bảo đảm chất lượng trong kho. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay.
Ngoài ra, các DNNN cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần thực hiện đúng tiến độ các quy hoạch, nghiên cứu phương án tăng vốn và bổ sung vốn cho các doanh nghiệp được chủ động đầu tư phát triển… cũng như sớm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách còn vướng mắc như về phát triển xanh, chuyển đổi số…
Hay với khối ngân hàng có vốn nhà nước, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị nhanh chóng ban hành các quy định triển khai Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiệu lực từ 1/7/2024; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ để phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại có hàm lượng công nghệ cao cung cấp cho thị trường và quản trị nội bộ.
Trao đổi thêm về một số kiến nghị của DNNN, tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết sẽ tiếp thu, quan tâm, nghiên cứu và sửa đổi cơ chế phù hợp. Chẳng hạn, liên quan đến ý kiến xuất khẩu gạo còn khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, các bộ, ngành liên quan đã và đang bàn thảo, tham mưu Thủ tướng giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Nhưng theo Bộ trưởng, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải kiểm soát được giá, cũng như kiểm soát chất lượng đầu vào để có bạn hàng và kinh doanh hiệu quả.
Liên quan đến những đề nghị về tăng vốn, lợi nhuận để lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, tăng vốn hay đầu tư cho doanh nghiệp nào là do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không thể tạo cơ chế để đầu tư tràn lan, không rõ hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải có chính sách để các DNNN tự chủ hơn về trả lương hay đổi mới công nghệ, bởi quan trọng là hiệu quả của đồng vốn. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết đang lấy ý kiến để sửa Luật 69, giúp DNNN kinh doanh chủ động và hiệu quả.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn