NIM: Bài toán khó của hệ thống ngân hàng

Xu hướng đi ngang

Báo cáo tài chính của Techcombank cho biết, tính đến cuối quý II, NIM của Ngân hàng đã cải thiện thêm 20 điểm cơ bản so với quý trước đó. Đây là mức tăng tương đối tốt do được hỗ trợ chủ yếu bởi chi phí tín dụng (CoF) suy giảm nhanh hơn lợi suất trên tài sản sinh lời (IEA).

Cụ thể, chi phí vốn được kiểm soát tốt trong 6 tháng đầu năm nhờ Techcombank vẫn duy trì lợi thế dẫn đầu về CASA. Bên cạnh đó, chính sách tiền tự sinh lời ngày càng hiệu quả giúp Ngân hàng gia tăng nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, đối với triển vọng 6 tháng cuối năm 2024, tốc độ cải thiện của CoF có thể sẽ chậm lại do lãi suất huy động tăng trở lại trong thời gian gần đây.

“Mặt khác, cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng tương đối gay gắt đã khiến một nhóm khách hàng của Techcombank trả nợ trước hạn để chuyển qua ngân hàng khác hưởng mức lãi suất vay ưu đãi hơn. Do vậy, IEA của Techcombank ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng và nhìn chung tốc độ cải thiện của NIM trong 6 tháng cuối năm dự báo sẽ không bằng 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng có thể duy trì NIM năm 2024 ở mức 4,3%”, Phạm Phương Linh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán KB nhận định.

Nhìn nhận về nguyên nhân NIM tăng nhẹ tại các ngân hàng, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, chủ yếu do chi phí vốn giảm khi lượng tiền gửi với lãi suất cao trong giai đoạn đầu năm 2023 đã dần đáo hạn. Đồng thời, lãi suất cho vay đầu ra cũng có xu hướng giảm. Đây là kết quả của hàng loạt nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm nhằm hạ lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

“Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng khác; yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố lãi suất các khoản vay mới… Các động thái này làm tăng sự cạnh tranh của thị trường tín dụng, dẫn đến việc lãi suất cho vay hạ nhiệt”, bà Hiền nói.

Còn tại ACB, NIM quý II/2024 giảm nhẹ 10 điểm cơ bản so với quý trước đó do nhà băng này tiếp tục phải cạnh tranh lãi suất cho vay để ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, đồng thời có được tệp khách hàng chất lượng hơn. Chi phí vốn đã cải thiện, song với diễn biến lãi suất huy động dần nhích tăng trong thời gian gần đây, tốc độ giảm của CoF có thể chậm lại từ quý III/2024. Theo đó, ACB có thể kỳ vọng duy trì mức NIM hiện tại hoặc giảm nhẹ so với năm 2023.

Ông Lê Hoài Ân, CFA, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nhận định, NIM của các ngân hàng có xu hướng tạo đáy trong quý II/2024 sau nhiều quý sụt giảm liên tục. NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết đang vào khoảng 3,41%. Mức NIM có khuynh hướng đi ngang, tuy nhiên có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Theo ông Ân, nhóm ngân hàng quốc doanh có NIM tiếp tục giảm khi phần lớn dư nợ tăng trưởng đến từ việc tập trung cho vay các tập đoàn kinh tế lớn và khu vực FDI vốn có mức NIM rất mỏng. Nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân như Sacombank, VIB có mức NIM đi ngang khi các ngân hàng này không tập trung đẩy nhanh dư nợ trong thời gian qua. Riêng mức NIM của ACB sụt giảm chủ yếu đến từ các chương trình hỗ trợ khách hàng và sự dịch chuyển tăng trưởng từ nhóm cá nhân sang nhóm các doanh nghiệp lớn.

“Nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp có mức NIM cải thiện nhẹ nhờ việc điều chỉnh chi phí vốn nhanh hơn so với lãi suất đầu ra, cùng với tỷ lệ CASA tăng lên, góp phần giảm chi phí vốn”, ông Ân lý giải.

Những thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, câu chuyện đáng chú ý của ngành ngân hàng hiện nay là, trong khi lãi suất huy động đang tăng mạnh tại nhiều ngân hàng thì lãi suất cho vay khó tăng theo, thậm chí vẫn chịu áp lực giảm để hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn chậm.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thu nhập từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của các ngân hàng, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng có cải thiện nhưng tốc độ tăng chưa cao.

Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức cao và có thể vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng. Kinh tế vĩ mô trong nước đối diện với nhiều khó khăn, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân chưa phục hồi vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

“Bên cạnh đó, ngoài đôn đốc thu hồi nợ thì biện pháp chủ yếu được các tổ chức tín dụng thực hiện để thu hồi nợ xấu là xử lý/thanh lý tài sản bảo đảm hoặc khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý nợ xấu thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm gặp không ít khó khăn, quá trình xử lý mất rất nhiều thời gian và thủ tục, giá trị thu hồi thấp”, lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát năm 2023 và quý I/2024 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, về hoạt động cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng đã vi phạm quy định về các giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động…, cấp tín dụng khi chưa đủ điều kiện; chưa xem xét khoản vay của khách hàng và người có liên quan tại tổ chức tín dụng khác; nhận tài sản đảm bảo không đúng quy định nội bộ; không kiểm soát được dòng tiền vay và trả nợ của khách hàng; công tác kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ quy định.

Liên quan đến vấn đề này, một số rủi ro lớn trong hoạt động của tổ chức tín dụng cũng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết. Đó là có hiện tượng cho vay ký quỹ, đặt cọc với giá trị lớn để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật; hay cho vay lòng vòng qua nhiều đối tượng dưới nhiều hình thức: góp vốn hợp tác kinh doanh, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cho vay tiêu dùng cá nhân, cho vay bù đắp vốn tự có, cho vay khác... để che giấu mục đích cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng ngoài địa bàn của chi nhánh ngân hàng thương mại, việc chuyển khoản cấp tín dụng sang chi nhánh ngân hàng thương mại ngoài địa bàn của khách hàng tiềm ẩn rủi ro, hạn chế liên quan đến việc định giá, quản lý tài sản bảo đảm nắm bắt thông tin khách hàng, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, xử lý nợ...

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Một số ngân hàng thương mại chưa có quy định riêng về cho vay đối với khách hàng ngoài địa bàn như điều kiện vay vốn, quản lý dòng tiền, tài sản bảo đảm, kiểm tra, giám sát sau cho vay..., dẫn đến hiện tượng cho vay chuyển nợ của khách hàng từ chi nhánh này sang chi nhánh khác nhằm che giấu các khoản nợ có vấn đề, khoản nợ có vi phạm, kết luận thanh tra đã yêu cầu khắc phục, thu hồi”.

Trở lại với câu chuyện NIM của ngành ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, NIM của các ngân hàng khó tăng cao. Theo đó, giải pháp hiện hữu là tập trung tối ưu hóa chi phí vận hành, nói cách khác là các ngân hàng phải tiết kiệm chi phí vận hành nhiều hơn, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng CASA.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn