NIM ngân hàng tiếp tục dò đáy
Chất lượng tài sản, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) suy giảm cùng với chi phí huy động cao hơn là lý do khiến biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng tạo đỉnh trong quý IV năm 2022 và có xu hướng sụt giảm trong các quý tiếp theo.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, NIM của hệ thống ngân hàng đang tiếp tục dò đáy trong quý I/2024 khi mặt bằng lãi suất đầu vào đã ở mức thấp kỷ lục.
Đầu năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết mặt bằng lãi suất hiện nay đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sau làn sóng giảm lãi suất kéo dài, trong thời gian gần đây lãi suất huy động đã có xu hướng đảo chiều, đã có gần 20 ngân hàng điều chỉnh giảm.
"Việc biên lãi ròng tăng nhờ chi phí vốn thấp đã đến thời điểm kết thúc và chi phí huy động vốn sẽ tăng khi mà các ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động cũng như khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành để hỗ trợ đồng VND", Chứng khoán Yuanta nhận định trong báo cáo mới đây.
Tính đến 17/5, tiền đồng (VND) đã mất giá khoảng 4,6% so với USD (theo dữ liệu của Bloomberg).Lãi suất liên ngân hàng qua đêm khoảng 4,5%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất quỹ liên bang Mỹ (Fed Funds Rate) là 5,3%.
Mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND đang tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, điều mà chúng tôi cho rằng sẽ có khả năng thúc đẩy NHNN tiếp tục tăng lãi suất.
Theo dữ liệu từ WiGroup, NIM toàn ngành ngân hàng tiếp tục dò đáy trong quý I khi giảm từ 3,43% quý IV/2023 xuống mức 3,4%. Nguyên nhân là việc tài sản sinh lãi tiếp tục tăng trưởng 12,98% cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của thu nhập lãi thuần chỉ 2,9%.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,17%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).
Bên cạnh lãi suất huy động thấp, nhu cầu tín dụng yếu, một số yếu tố được cho là nguyên nhân khiến tăng trưởng tiền gửi thấp là sự phục hồi của một số kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay sự ấm lên của thị trường bất động sản.
Mặc dù khởi động chậm trong quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã có bước cải thiện trong các tháng sau đó khi tốc độ giải ngân tín dụng dụng tăng tốc. Đến ngày 10/5, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 1,95% so với cuối năm 2024.
Nhiều chuyên gia phân tích vẫn giữ quan điểm tích cực cho rằng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2024, nhờ môi trường lãi suất thấp, kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi và các biện pháp hỗ trợ liên tục từ Chính phủ.
"Các ngân hàng có thể sẽ tập trung cho vay doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng cho vay bán lẻ (bao gồm cả cho vay mua nhà) sẽ mạnh hơn từ quý III/2024 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản", báo cáo mới nhất của Chứng khoán Bản Việt (Vietcap) cho hay.
Trên thị trường, các ngân hàng cũng có cùng quan điểm về việc mặt bằng lãi suất hiện nay đã ở mức thấp khó có thể giảm thêm. Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng gần đây đã bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi để thu hút thêm vốn chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng dự kiến tăng trong phần còn lại của năm 2024.
Điều này dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến biên lãi gộp của toàn ngành và đặc biệt là đối với các ngân hàng có lượng tiền gửi CASA thấp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích vẫn kỳ vọng rằng NIM ngân hàng sẽ tăng nhẹ vì xu hướng thuận lợi trong chi phí vốn sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi lợi suất tài sản giảm do cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng.
"Chúng tôi duy trì kỳ vọng NIM sẽ cải thiện nhẹ trong các quý tới, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và hoạt động cho vay bán lẻ, bao gồm cả cho vay mua nhà, sẽ được cải thiện vào cuối năm 2024", theo Vietcap.
Ngoài ra, việc các ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu cũng giúp cải thiện về tăng trưởng doanh thu trong các quý tới sẽ giúp bù đắp chi phí tín dụng cao.
NIM có sự phân hoá
Như đã đề cập ở trên, chi phí vốn, NIM có sự phân hoá rõ nét ở các nhóm ngân hàng. Theo dữ liệu từ WiGroup, nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân có mức NIM cao nhất tuy nhiên đang có sự sụt giảm mạnh từ 4,37% còn 4,3%. Tương tự nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp cũng có sự sụt giảm từ 4,08% còn 4,01%.
Hai nhóm này tác động chủ yếu tới sự giảm NIM toàn ngành. Trong khi đó nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh và ngân hàng thương mại khác chỉ giảm nhẹ.
Thông thường các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao hoặc đang trong xu hướng tăng sẽ có ưu thế hơn các ngân hàng khác trong việc kiểm soát chi phí vốn.Tỷ lệ CASA của tổng 28 ngân hàng (bao gồm niêm yết và OTC) tại thời điểm quý I/2024 là 21,2% (giảm 1 điểm % so với cùng kỳ năm trước).
Theo Chứng khoán Yuanta, chi phí vốn có thể tăng từ quý II, nguyên nhân đến từ việc tăng lãi suất huy động gần đây và khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành để hỗ trợ tỷ giá. Các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như là Vietcombank (34,7%), MB (36,6%) và Techcombank (40,5%) có ưu thế hơn trong việc kiểm soát chi phí vốn so với các ngân hàng khác. ACB với tỷ lệ CASA tăng lên mức 23,8% cũng sẽ có lợi thế.
Cùng với đó, mức trần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng cho các khoản vay trung và dài hạn là một yếu tố tác động tiêu cực đến biên lãi gộp của các ngân hàng. Theo đó,NHNN đã giảm mức trần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng cho các khoản vay trung và dài hạn xuống còn 30% từ mức 34% vào tháng 10/2023.
Mặc dù vậy, một số ngân hàng vẫn có dư địa để tăng tỷ lệ này và hỗ trợ NIM. Các ngân hàng này bao gồm Eximbank (14%), ACB (18%), Sacombank (19%), VietinBank (21%) và VPBank (23%).
Xem thêm tại vietnambiz.vn