Ninh Thuận trên hành trình trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo

Đẩy nhanh các dự án năng lượng

Đại diện Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã thực hiện rà soát, báo cáo hiện trạng và tồn tại, vướng mắc và định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, Sở tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công thương cập nhật bổ sung các dự án năng lượng, đường dây, hạ tầng truyền tải vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII để có cơ sở kêu gọi đầu tư, triển khai đầu tư và đưa vào vận hành.

Một Dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Các dự án này gồm Dự án Cập nhật đường dây đấu nối Dự án Thuỷ điện Tích năng Phước Hoà; Dự án Điện gió V2; các dự án điện mặt trời tập trung (1 phần công suất Dự án Điện mặt trời Trung Nam; 3 nhà máy điện mặt trời đã được phê duyệt quỵ hoạch và đã có chủ trương đầu tư đi vào vận hành thương mại gồm Thiên Tân 1.2,1.3.1.4; 2 dự án đang triển khai Phước Thái 2, 3)…

Ninh Thuận cũng làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về giải quyết một số nội dung tồn tại vướng mắc, khó khăn theo thực trạng phát triển năng lượng của tỉnh gồm Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 và 3; công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Bắc (204 MW); quy trình thực hiện đối với các dự án năng lượng có phương án đấu nối cấp điện áp từ 110kV trở xuống

Cùng với đó, Sở Công thương tham mưu văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận kiến nghị với các bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho 3 dự án lưới điện truyền tải 500kV đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII (đường dây 500kV Ninh Sơn - Chơn Thành, 2 mạch dài 275km; đường dây 500kV LNG Cà Ná - Bình Dương 1, 2 mạch dài 280  km và Trạm biến áp 500kV Ninh Sơn - 1.800kV để truyền tải công suất 3 dự án lớn quan trọng.

Sở Công thương cũng tổ chức thẩm định nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa; phối hợp cùng các Sở, ngành nghiên cứu có ý kiến các điều kiện về quy định pháp luật về điện lực, đầu tư, đất đai, môi trường, lâm nghiệp,..; để hoàn tất các thủ tục theo quy định trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

“Tập trung phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thiện, hiệu chỉnh Hồ sơ mời thầu Dự án LNG Cà Ná theo quy định; gửi Sở Kế hoạch thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện”, đại diện Sở Công thương thông tin.

Vừa qua, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Công thương tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh hòa lưới điện quốc gia 2 dự án năng lượng chuyển tiếp gồm Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 và 3 (tổng công suất 120 MW).

Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Công thương hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục điện lực, phối hợp sớm lựa chọn nhà đầu tư để khởi công 7 dự án năng lượng với tổng công suất 252 MW.

Cụ thể, 5 dự án điện gió (223 MW) là Đầm Nại 3 (39,4 MW), Đầm Nại 4 (27,6 MW), Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận (76 MW), Phước Hữu (Hà Đô, 50 MW), Công trình phong điện Việt Nam Power số 01 (30 MW); 2 dự án thủy điện (27 MW) gồm  Thượng Sông Ông 2 (7 MW) và Phước Hòa (22MW).

“Tổ chức lựa chọn và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư Dự án LNG Cà Ná trong quý IV/2024; hoàn tất các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái (dự kiến khởi công nhà máy chính trong tháng 9/2024), Thủy điện tích năng Phước Hòa; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV, 110kV đoạn qua địa bàn tỉnh”, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận yêu cầu.

Tiếp tục thu hút đầu tư

Tính đến đầu tháng 10/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió với công suất 890,75 MW với tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng; trong đó có 11 dự án vận hành thương mại với công suất 666,75 MW.

Ngoài ra, 37 dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất khoảng 2.576 MW, tổng vốn đầu tư hơn 68.000 tỷ đồng; trong đó có 34 dự án đã vận hành thương mại với công suất khoảng  2.376  MW…

Theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận, năng lượng và năng lượng tái tạo là một trong 5 cụm ngành đột phá, với mục tiêu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh.

Quy hoạch xác định Ninh Thuận tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…).

Cùng với đó, Ninh Thuận phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ…

Để tiếp tục cụ thể hóa tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, ngày 30/3/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 193/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó có 9 dự án về lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo với diện tích hơn 528,95 ha.

Các dự án này gồm Dự án Điện khí LNG Cà Ná (51.793 tỷ đồng); Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa (22.865 tỷ đồng); Dự án Điện gió Đầm Nại 3 (872 tỷ đồng); Dự án Điện gió Đầm Nại 4 (1.649 tỷ đồng); Dự án Điện gió Tri Hải (2.760 tỷ đồng); Dự án Điện gió Phước Dân (1.478 tỷ đồng); Dự án Điện gió hồ Bầu Ngứ (988 tỷ đồng); Dự án Thủy điện Thượng Sông Ông 2 (hơn 265 tỷ đồng); Dự án Thủy điện Phước Hòa (hơn 862 tỷ đồng).

Trong năm 2024, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ quan tâm và mong muốn triển khai các dự án năng lượng tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, tháng 6/2024, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, đại diện Tập đoàn EDP Renewables (đơn vị phát triển năng lượng tái tạo trực thuộc Tập đoàn điện lực Bồ Đào Nha) cho biết, Tập đoàn hiện có có chủ trương đầu tư 1 tỷ USD phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong năm 2025 và mong muốn được ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo tại huyện Ninh Sơn và Bắc Ái.

Tiếp đến giữa tháng 7/2024, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) đề xuất thực hiện Tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn nằm trên địa bàn xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Tổ hợp gồm ba dự án thành phần là dự án thủy điện tích năng 1.440 MW (6 tổ máy), dự án điện mặt trời 3.500 MWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 350 MW.

Sản lượng điện của tổ hợp đạt 5,87 tỷ kWh/năm; sơ bộ tổng mức đầu tư 3,98 tỷ USD. Thời gian triển khai dự án từ năm 2026, đưa vào vận hành cuối năm 2030…

Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang làm việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) về các dự án điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về thí điểm điện gió ngoài khơi.

Đối với điện gió ngoài khơi, theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt, khu vực Nam Trung Bộ được phân bổ 2.000 MW. “Với mục tiêu tỉnh Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo cả nước, tỉnh ưu tiên phát triển nguồn điện gió này gắn với hạ tầng điện”, ông Tiến cho hay.

Về lộ trình thực hiện, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, cơ cấu nguồn điện phát triển trên địa bàn của tỉnh đến năm 2030 với tổng công suất trên 4.400 MW. Trong đó, giai đoạn 2023 – 2025 là hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành 12 dự án điện gió tổng công suất 460 MW, 21 MW điện mặt trời.

Giai đoạn 2026 – 2030, Ninh Thuận hoàn thành đầu tư đi vào vận hành Dự án LNG Cà Ná 1.500 MW, 2 dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa và Bác Ái với tổng công suất 2.400 MW, 3 dự án thủy điện nhỏ 40 MW.

Xem thêm tại baodautu.vn