Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024
Tăng trưởng tín dụng không đồng đều
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5/2024, lên 6% vào cuối tháng 6, sau đó giảm còn 5,3% tại ngày 17/7. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), diễn biến này phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, mức tăng vào cuối quý II cao kỷ lục, nên xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước.
Những tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng cũng như các ngành nghề không đồng đều. Theo số liệu công bố của các ngân hàng, tính đến hết tháng 6/2024, các ngân hàng như LPBank, HDBank, ACB có mức tăng trưởng cao so với toàn ngành (lần lượt đạt 15,2%, 13,3% và 12,4%), trong khi nhóm “Big4” và một số ngân hàng khác có mức tăng trưởng thấp hơn.
Đáng mừng là, tín dụng 6 tháng đầu năm tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%...
Ngoài ra, theo số liệu của NHNN, tín dụng bất động sản tăng 4,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, nhưng tín dụng cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ, tăng 1,2%.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm trong nửa đầu năm nay và tín dụng chỉ mới cải thiện trong tháng cuối quý II/2024. Nguyên nhân do tính chất “mùa vụ” trong quý đầu năm và sức cầu thị trường còn yếu, thị trường bất động sản hồi phục, nhưng chưa rõ nét…
Ở một góc nhìn khác, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu (Tập đoàn UOB) phân tích, nhu cầu tín dụng liên quan đến mức độ tự tin của các doanh nghiệp khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và số lượng đơn đặt hàng thực tế mà doanh nghiệp nhận được, cùng nhiều yếu tố khác.
Cần nỗ lực lớn
Theo ông Suan Teck Kin, mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 còn khá xa so với mục tiêu cả năm, nhưng khi dữ liệu tín dụng được cải thiện dần trong tháng 6/2024 và kỳ vọng về những mức tăng tiếp theo, niềm tin thị trường sẽ quay trở lại. Xét về yếu tố “mùa vụ”, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm. Nếu đơn hàng tiếp tục về với doanh nghiệp Việt Nam, thì tín dụng sẽ tăng và tăng bền vững hơn.
Thời gian qua, NHNN đã đưa ra nhiều chương trình để hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển tín dụng. NHNN dự báo, tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ khả quan nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Cùng với đó, NHNN cũng xác định, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2024 là chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, với những mục tiêu, giải pháp, dự báo được đưa ra cho năm 2024 và kết quả thực hiện trong các tháng đầu năm, có thể thấy, để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% như mục tiêu mà NHNN đặt ra, trong các tháng còn lại của năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời vẫn phải kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.
Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, tín dụng đang dần cải thiện và dù có tăng chậm, thì ngân hàng cũng không “hạ chuẩn”. Theo đó, ngành ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tập trung vào động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh…
Xem thêm tại baodautu.vn