Nợ vay gấp 50 lần vốn chủ, Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ thi hành chính sách 'giật gấu vá vai' để tiến công thị trường nước ngoài?
Trong thông điệp phát đi gần nhất, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HoSE) cho biết, trải qua một năm 2023 khó khăn đối với ngành bất động sản lẫn ngành xây dựng, Hòa Bình chỉ thực hiện được 71% kế hoạch doanh thu đề ra. Nguyên nhân do năm 2023 "quá khốc liệt", nhiều chủ đầu tư mất thanh khoản khiến công ty cũng thành "nạn nhân".
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định Hòa Bình nỗ lực làm mọi thứ đều có cơ sở. Mục tiêu trong ba năm tới Hòa Bình khôi phục lại vị thế đầu ngành xây dựng.
Hiện tập đoàn đã vượt qua khó khăn, chúng tôi đang trên đường quay trở lại ổn định, cân bằng nhằm hướng đến việc tăng trưởng, duy trì vị trí số 1 tại thị trường và tránh lặp lại vết xe đổ trong quá khứ, hướng tới hoàn thiện và phát triển bền vững".
Nguồn: HBC |
Mới đây, Hòa Bình đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với việc tăng lỗ sau thuế thêm 333 tỷ đồng do giá vốn bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng hàng trăm tỷ. Theo đó, tổng mức lỗ cả năm lên tới 1.115 tỷ. Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp Xây dựng Hòa Bình kinh doanh thua lỗ sau mức âm 2.600 tỷ của năm trước đó. Tổng lỗ lũy kế tăng lên mức 3.240 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, nợ phải trả của HBC giảm gần 2.000 tỷ đồng so với đầu kỳ về mức 15.156 tỷ đồng (90,4% là nợ ngắn hạn). Trong cơ cấu nợ, vay nợ tài chính ghi nhận hơn 4.700 tỷ đồng - gấp 50,3 lần vốn chủ sở hữu (hiện chỉ còn 93,3 tỷ). 4.000 tỷ đồng trong số này là các khoản vay ngắn hạn.
Chiều ngược lại, lượng tiền mặt, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Hòa Bình chỉ còn khoảng 400 tỷ đồng. 70% cơ cấu tài sản nằm trong danh mục phải thu ngắn hạn. Đáng nói, một số khoản phải thu, khoản tạm ứng của Hòa Bình trong năm qua cũng nằm trong ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán tại báo cáo vừa công bố.
Sau năm 2022 chịu tác động mạnh từ việc thị trường bất động sản ngưng trệ, biến cố ngay thời điểm đầu năm 2023 liên quan đến xung đột ghế điều hành cùng sự tiếp diễn của thị trường địa ốc tiếp tục khiến Hòa Bình lao đao, doanh thu giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện trong năm 2024, Hòa Bình cùng với hơn 274 triệu cổ phiếu HBC sẽ có khả năng bị hủy niêm yết.
Dù công bố việc trúng và thi công nhiều gói thầu trong thời gian gần đây, tuy nhiên thực tế biên lợi nhuận gộp mảng chủ lực này của Hòa Bình là không mấy khả quan. Năm 2023, con số này chỉ vỏn vẹn 3,7% - tương đương gần 281 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động ghi nhận tới gần 1.080 tỷ.
Thuyết minh một số khoản vay ngắn hạn của HBC (Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán 2023) |
Hàng chục khoản vay (ngân hàng) của Xây dựng Hòa Bình sẽ đáo hạn trong năm 2024. Riêng tháng 12, số nợ phải thanh toán lên đến 3.400 tỷ đồng trong đó gần 2.100 tỷ đồng cho chủ nợ BIDV và 1.300 tỷ đồng cho chủ nợ Vietinbank.
Tại sự kiện gặp gỡ các nhà thầu phụ tổ chức hồi giữa tháng 3 vừa qua, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh: "Trong nguy có cơ. Chỉ trong tình trạng khó khăn của thị trường trong nước chúng ta mới nhận ra con đường sáng lạng, đại lộ thênh thang của thị trường nước ngoài. Chỉ trong tình trạng thất nghiệp ở thị trường trong nước chúng ta mới có thể huy động nhiều thanh niên sẵn sàng xông pha ra mặt trận xây dựng ở nước ngoài".
Người đứng đầu Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, hiện HBC đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời, nắm trong tay rất nhiều lợi thế để có thể chinh phục được việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Phi.
Với tình hình tài chính như hiện tại, doanh nghiệp của Chủ tịch Lê Viết Hải có lâm vào cảnh "giật gấu vá vai"? Cơ sở nào để công ty đặt tham vọng trở lại vị thế đầu ngành xây dựng trong nước hay xa hơn là vươn tầm quốc tế?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn