Nợ xấu áp sát đỉnh lịch sử, vì sao cá nhân vẫn chi hơn 16.000 tỷ đồng gom cổ phiếu ngân hàng?
Nhiều điểm nhấn trong bức tranh lợi nhuận quý II nhóm ngân hàng
Trong quý II/2024, 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận gần 61.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm 49,5% tổng lợi nhuận toàn thị trường và vượt mức đỉnh lịch sử của quý I/2022, theo dữ liệu từ FiinTrade.
So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế toàn ngành tăng 21,6%, và tăng 6% so với quý trước. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần chỉ tăng 6% do tín dụng tăng chậm và tỷ lệ NIM duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 16,5% so với quý trước, nhưng chỉ chiếm 12,2% tổng thu nhập hoạt động.
Số liệu LNST quý II/2024 của nhóm ngân hàng (cập nhật đầu tháng 8) của Chứng khoán An Bình (ABS) cũng tương đối sát với dữ liệu FiinTrade |
Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân dẫn đầu với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 28,2% so với năm trước và 7,6% so với quý trước. Ngược lại, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước ghi nhận mức tăng thấp hơn, lần lượt là 10% và 2,9%.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng của 27 ngân hàng đạt 6% so với cuối năm 2023, với tín dụng cho kinh doanh bất động sản tăng mạnh 10,4%, trong khi tín dụng tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,2%.
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 3,43% trong quý II/2024, duy trì ở vùng đáy trong quý thứ tư liên tiếp. Tỷ lệ NIM giảm ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước từ 2,83% trong quý I xuống 2,73%, trong khi nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cải thiện từ 3,88% lên 3,96%.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) vẫn tăng, cho thấy nhu cầu thanh khoản cao trong bối cảnh chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức âm. FiinTrade dự báo rằng áp lực tăng lãi suất huy động có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ NIM trong các quý tới, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước.
Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng đã tăng trở lại mức 2,21%, gần mức đỉnh lịch sử. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng ở các ngân hàng như CTG, TCB, VPB và STB, trong khi giảm ở VCB, MBB, HDB. Nợ cần chú ý giảm mạnh 19.000 tỷ đồng, trong khi nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng 11.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cá nhân bơm tiền gom mạnh cổ phiếu
Mặc dù triển vọng ngành ngân hàng còn gặp khó khăn và chỉ số giá ngành duy trì ổn định, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 16.200 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2024.
P/B của ngân hàng dao động trong khoảng 1,4x-1,6x trong gần 2 năm qua, thấp hơn so với giai đoạn 2021-2022, phản ánh sự lo ngại về chất lượng tài sản sau các sự kiện tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản năm 2022.
Tuy nhiên, triển vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm của nhóm ngân hàng được kỳ vọng tích cực. Chứng khoán Rồng Việt dự báo nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường, với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 14-15% trong năm 2024. Nợ xấu có thể giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn để hấp thụ và xử lý nợ xấu.
Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 23,8% so với cùng kỳ. Các ngân hàng như VPB, LPB và CTG có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Về định giá, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/E và P/B dưới trung bình 3 năm, lần lượt là 10,26x và 1,67x, nên vẫn sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và phù hợp với nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn.
Trong trường hợp thị trường điều chỉnh và đẩy mặt bằng cổ phiếu về mức định giá phù hợp hơn, nhóm ngân hàng vẫn là mục tiêu hàng đầu nhờ tính thị trường cao và nhiều lựa chọn đầu tư. Dưới bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp, cổ phiếu ngân hàng có thể tiếp tục phân hóa và điều chỉnh. VNDirect cho rằng đây là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu ngân hàng dựa trên triển vọng tăng trưởng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn