“Không tăng nhiều so với các quý liền trước”
Báo cáo tài chính quý III/2024 của Techcombank cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 9 ở mức 1,35%, tăng so với tỷ lệ 1,28% tại thời điểm cuối tháng 6. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng nhẹ, lên mức 103%.
Tại ACB, tổng nợ xấu đã tăng lên 8.274 tỷ đồng vào cuối quý III; trong đó, khoản nợ có khả năng mất vốn tăng tới 55% so với hồi đầu năm, lên 6.064 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của Ngân hàng theo đó tăng từ mức 1,22% hồi đầu năm lên 1,5% vào cuối tháng 9.
Tính đến cuối quý III/2024, số dư nợ xấu của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,85% lên 3,19%. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm của nhà băng này tăng gấp gần 3 lần (lên 300 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Tại LPBank, trong 9 tháng đầu năm, số dư nợ xấu của Ngân hàng đã tăng 70%, từ 3.689 tỷ đồng lên 6.272 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên 1,96%.
Tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank tăng nhẹ, từ mức 1,93% hồi đầu năm lên 1,94% vào cuối tháng 9. Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng cũng tăng từ mức 62% thời điểm đầu năm lên 73% khi kết thúc quý III/2024.
Còn tại SaigonBank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2024 ở mức 2,2%, theo đó, Ngân hàng phải trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước.
Đáng chú ý, tại VIB, nợ nhóm 2 giảm hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương giảm 27% và bộ đệm dự phòng tăng 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9/2024 của VIB là 2,67%, giảm so với mức 3,7% trong nửa đầu năm.
Nhận định về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) cho biết: “Mặc dù báo cáo tài chính các ngân hàng chưa công bố hết nhưng trên cơ sở thông tin nhận được thông qua các cuộc gặp mặt với nhà đầu tư của các ngân hàng gần đây cho thấy, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 không tăng nhiều so với quý liền trước”.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, quy mô nợ xấu của ngành ngân hàng có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm, khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023, để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục “tăng nhẹ” trong quý III/2024 nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2024. Đánh giá tổng thể năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng nhẹ so với năm 2023, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại nhiều so với năm 2023.
Tiếp tục giám sát chặt chất lượng tín dụng
Nợ xấu đang có xu hướng tăng lên, nhất là sau bão số 3.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, con số nợ xấu dù trong tầm kiểm soát nhưng có tăng, do đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thận trọng hơn trong cấp tín dụng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9% tính đến giữa tháng 10, cao hơn nhiều so với cuối tháng 8 nhờ một số dự án lớn được giải ngân trong giai đoạn cuối quý III. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế hiện đạt hơn 16%, với khoảng 14,7 triệu tỷ đồng.
Lý giải thêm về tốc độ tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt hơn 20%. Một số lĩnh vực như lâm nghiệp, thuỷ hải sản xuất khẩu… giải ngân trên 40.000 tỷ đồng, vượt xa so với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đặt ra ban đầu. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị trình gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chương trình cho vay ưu đãi với nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng đăng ký lên tới 140.000 tỷ đồng. Thời hạn của gói vay này kéo dài đến 10 năm, thay vì 5 năm như trước kia.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận: “Nợ xấu đang có xu hướng tăng lên, nhất là sau bão số 3. Đây cũng là vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt và cần phải có phương án xử lý trong thời gian tới”.
Điểm tích cực là các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu. Ba sắc luật mới liên quan đến thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2024 tạo cú hích với thị trường bất động sản, giúp thị trường dần ấm lên, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản), thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024. Theo các quy định mới, từ ngày 1/8/2024, ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Luật Các tổ chức tín dụng cũng cho phép mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.
Chia sẻ về điều hành tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động:
Thứ nhất, giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao qua hệ thống báo cáo thống kê và từ các nguồn thông tin khác. Trên cơ sở kết quả giám sát, ban hành các văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với các vấn đề cần quan tâm.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.
Thứ ba, chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.