Nợ xấu tăng nhanh
Tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 ngày 18/4, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của Quốc hội hết hiệu lực từ cuối năm 2023, ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hồi và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Thực tế tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến cuối năm 2024 là khoảng 1,030 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, đối với việc thu hồi nợ xấu, tỷ lệ mà khách hàng tự nguyện trả nợ cho ngân hàng là khoảng 36%, còn lại là nợ thi hành án…
Đáng lo ngại là nợ xấu đang tăng lên, 2 tháng đầu năm nay nợ xấu tăng rất nhanh, tăng thêm 34.000 tỷ đồng nên tổng nợ xấu đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Nhưng tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro, tuy nhiên số nợ mà khách hàng tự trả nợ chỉ 10.000 tỷ đồng.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. |
Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các tổ chức tín dụng trích từ dự phòng rủi ro. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
“Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng không có nghĩa bảo vệ những cái sai. Đã đi vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ, chứ không phải khi vay thì cam kết với ngân hàng sẽ trả nợ nhưng sau đó tìm mọi cách để dây dưa, trốn nợ, hoặc trả gốc không trả lãi, thậm chí tham gia hội nhóm bùng nợ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Biên - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị HDBank AMC - cho rằng nợ quá hạn trên 90 ngày thì ngân hàng sẽ xử lý, thu hồi nợ. Mỗi ngân hàng có cách thu hồi nợ khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, khởi kiện khách vay ra tòa... Hay trước đây, ngân hàng trực tiếp đi thu giữ tài sản đảm bảo rồi bán.
Theo ông Biên, có những khoản nợ mất vài ba năm mới có thể thu được. Thực tế có rất nhiều tài sản đảm bảo không thể xử lý để thu hồi nợ như tài sản đảm bảo là căn nhà mà có người già, trẻ nhỏ đang sinh sống; thửa đất đang có tranh chấp…
Cần luật hóa thu hồi nợ xấu
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản, tìm mọi cách để xin miễn lãi, thậm chí vay để trả gốc và cũng không muốn trả lãi trong khi đó tài sản bảo đảm rất lớn.
“Về quy định thu giữ tài sản bảo đảm, nội dung quan trọng nhất là cần truyền thông để người dân hiểu, ý thức trách nhiệm đã vay vốn ngân hàng là phải trả nợ, nếu không trả được nợ thì phải tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng hoặc tự xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ ngân hàng. Cùng với đó, cần đưa vào luật trách nhiệm của cơ quan cấp xã gắn liền với nơi có tài sản bảo đảm để có thể phối hợp hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật” - ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho rằng, luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42 sẽ giải quyết các vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu; hài hòa giữa việc bảo vệ quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng với việc thực thi các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
“Những thay đổi này sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và giảm chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng, từ đó hỗ trợ việc giảm lãi suất cũng như tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế; đồng thời tăng ý thức trách nhiệm của bên đi vay”, ông Lực khẳng định.