Nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng lại cắt giảm dự phòng rủi ro
Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng cả về quy mô và tốc độ
Mới đây, trước thực trạng nợ xấu ngân hàng cùng nhiều kiến nghị từ các ngân hàng thương mại, NHNN đã công bố lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02). Theo đó, NHNN đề xuất TCTD được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024, tức là kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện hành. Trước đó, đại diện NHNN đã cho hay, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. |
Trong quý đầu năm 2024, tổng hợp báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết trên thị trường cho thấy, số dư nợ xấu của 28 ngân hàng đã tăng thêm 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý 4/2023. Trong đó, chỉ một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cải thiện nhẹ như Techcombank, VPBank, SHB, NCB.
Báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý 1/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, các TCTD kỳ vọng sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu trong quý 2/2024 dù rằng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng chưa đạt được xu hướng “giảm nhẹ” như mong muốn tại thời điểm cuối năm 2023 và trong quý 1/2024 tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ”, nhưng xu hướng này được nhận định thu hẹp đáng kể so với quý 4/2023.
Xét theo từng ngân hàng, báo cáo tài chính quý 1/2024 cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng tăng khá nhanh, thậm chí vượt ngưỡng tỷ lệ 3% tổng dư nợ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của VPBank dù giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức hơn 4,8% tổng dư nợ; BaoVietBank thì tăng lên mức gần 4,4%; ABBank cũng tăng lên hơn 3,9% trong khi tín dụng tăng trưởng âm hơn 19,3%; PVCombank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức gần 4% cùng với sự tăng mạnh của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 17%; tỷ lệ nợ xấu tại VIB là 3,6%, MSB ở mức gần 3,2%, SHB đi ngang ở mức 3%...
Xét về giá trị, MB đang là ngân hàng có nợ xấu nhiều nhất, tăng thêm 5.500 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024, hiện chiếm gần 2,5% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 110%, từ 2.851 tỷ đồng hồi cuối năm 2023 lên 5.996 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024.
TPBank dù duy trì tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 1,45%, nhưng quy mô nợ xấu tăng nhanh tới hơn 80% trong 3 tháng đầu năm lên gần 2.500 tỷ đồng. OCB cũng có mức tăng giá trị nợ xấu hơn 51%, lên hơn 4.045 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên gần 2,9% tổng dư nợ. Ngoài ra, một số ngân hàng có nợ xấu tăng nhiều cả về quy mô tuyệt đối và tốc độ như VietinBank, Vietcombank, HDBank, VietABank, NamABank...
Trong báo cáo phân tích về ngân hàng mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 có thể chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (ước tính từ 1,63% lên 1,68%) do dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay. Song, các khoản nợ có vấn đề bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, các khoản vay cũ… vẫn cần được giám sát chặt chẽ.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán ACBS cũng cho rằng, nợ xấu đang gia tăng đồng thời nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng lên trong quý 1/2024 cho thấy một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành. Bên cạnh đó, trong giai đoạn quý 2/2020, quý 2/2021 và quý 3/2021, quý 1/2023, nợ tái cơ cấu giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, từ quý 2/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ LLR – dự phòng bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý 4/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới.
Cắt giảm chi phí dự phòng vì lợi nhuận
Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng cho thấy, số dư dự phòng rủi ro tăng 5,7% so với cuối năm ngoái. Chẳng hạn tại MB, giá trị nợ xấu tăng mạnh như nêu trên đã khiến ngân hàng này phải tăng 46,4% chi phí dự phòng rủi ro trong quý 1/2024 lên mức 2.707 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng các khoản nợ xấu /nợ xấu) của ngân hàng giảm từ mức 117% xuống còn 80,1%.
Ngoài ra, đứng trước vấn đề về duy trì lợi nhuận, có nhiều ngân hàng lại cắt giảm mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Chẳng hạn tại TPBank, bất chấp quy mô nợ xấu tăng mạnh như trên, ngân hàng này vẫn cắt giảm tới 58% chi phí trích lập dự phòng rủi ro trong 3 tháng đầu năm giúp ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận 9% trong bối cảnh hoạt động nhiều mảng kinh doanh quan trọng như tín dụng, đầu tư chứng khoán… suy giảm. OCB cũng cắt giảm chi phí dự phòng hơn 21%, giúp lợi nhuận ngân hàng tăng gần 18% trong quý 1/2024.
Tính chung các ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý 1/2024 đã giảm hơn 7 điểm % xuống còn 87% - mức thấp nhất kể từ cuối quý 3/2023. Trong đó, một số ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB lại thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu như Techcombank, Sacombank, SHB, VPBank…
Theo các chuyên gia, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng sẽ có sự chủ động tốt trước những rủi ro, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới lợi nhuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, “phòng thủ” trước nợ xấu là vấn đề cần được các ngân hàng quan tâm. Bởi kết quả điều tra TCTD của NHNN cũng cho thấy, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD dự báo tiếp tục tăng trong quý 2/2024 nhưng với xu hướng tăng chậm lại.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, hệ thống doanh nghiệp đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng do nhiều căng thẳng địa chính trị trên thế giới chưa giảm sức nóng. Còn trong hoạt động xuất nhập khẩu, tỷ giá biến động, lạm phát còn tăng cao, nhu cầu và chi tiêu tiêu dùng chưa phục hồi mạnh trở lại… cũng đang ảnh hưởng tới số lượng và giá trị đơn hàng của doanh nghiệp.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn