Nỗi buồn 'riêng' của doanh nghiệp nhà đất phía Nam
Doanh số giật lùi, “ông lớn” ngậm ngùi
Khi nhìn lại mùa báo cáo thu nhập 9 tháng năm 2024 của 40 doanh nghiệp phát triển nhà ở hàng đầu hiện nay, có thể nhận thấy một điều nổi bật: so với cùng kỳ năm trước, kết quả bán hàng năm nay suy trầm rất đáng kể.
Theo đó, trong 40 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 2 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 10.000 tỷ đồng là Vinhomes – HoSE: VHM (69.910 tỷ đồng) và Vingroup – HoSE: VIC (126.915 tỷ đồng);
Có 10 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 1.000 tỷ đồng gồm: Novaland – HoSE: NVL (4.295 tỷ đồng), Đất Xanh - HoSE: DXG (3.203 tỷ đồng), Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM – HoSE: CII (2.283 tỷ đồng), An Gia – HoSE: AGG (1.750 tỷ đồng), Lideco - HoSE: NTL (1.420 tỷ đồng), Xuân Mai – UPCoM: XMC (1.271 tỷ đồng), Taseco Land – UPCoM: TAL (1.249 tỷ đồng), Khang Điền – HoSE: KDH (1.231 tỷ đồng), Hải Phát Invest – HoSE: HPX (1.084 tỷ đồng), Kosy – HoSE: KOS (1.003 tỷ đồng);
Và chỉ 7 doanh nghiệp có doanh thu thuần 500 tỷ đồng, gồm: EverLand – HoSE: EVG (962 tỷ đồng), CEO Group – HNX: CEO (926 tỷ đồng), Sunshine Homes – UPCoM: SSH (913 tỷ đồng), DIC Group – HoSE: DIG (860 tỷ đồng), CIC Group – HoSE: CKG (849 tỷ đồng), Nam Long – HoSE: NLG (827 tỷ đồng), BV Land – UPCoM: BVL (599 tỷ đồng).
Như vậy, tổng cộng có 19 doanh nghiệp có doanh thu thuần 9 tháng trên 500 tỷ đồng. Nhưng trong số đó có tới 12 doanh nghiệp suy giảm doanh thu thuần so với cùng kỳ năm trước, gồm: CII (-1,7%), CEO (-1,7%), XMC (-4,5%), VIC (-5%), HPX (-9%), BVL (-9%), CKG (-11%) KDH (-24%), VHM (-26%), NLG (-46%), AGG (-53%), SSH (-65%). Trong 12 doanh nghiệp này, có 7 doanh nghiệp thuộc nhóm doanh thu thuần từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Điều này phản ánh mức độ suy giảm của thị trường là rất lớn.
Đó là chưa kể danh sách doanh nghiệp suy giảm doanh thu thuần so với cùng kỳ năm trước còn nối dài với những cái tên: BGI Group – HNX: VC7 (-10%), Quốc Cường Gia Lai (-12%) IDJ Việt Nam – HNX: IDJ (-18%), Hodeco – HoSE: HDC (-19%), Licogi – UPCoM: LIC (-67%), Phát Đạt – HoSE: PDR (-68%)…
Điều đáng chú ý là trong các doanh nghiệp suy giảm doanh thu thuần nêu trên, nhóm doanh nghiệp miền Nam chịu mức suy giảm nặng nề hơn so với các doanh nghiệp miền Bắc. Kết quả này cho thấy một thực trạng rõ rệt là thị trường miền Nam vẫn chưa thể gượng dậy được sau cơn khủng hoảng 2022 – 2024.
Buồn hơn trên bảng lợi nhuận
Sự sụt giảm về doanh thu thuần tất yếu đưa tới sự đi xuống về lợi nhuận, đặc biệt là với các doanh nghiệp miền Nam.
Kết quả thống kê từ 40 doanh nghiệp cho thấy trong 9 tháng, toàn thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp đạt được lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng là VHM (20.600 tỷ đồng); 1 doanh nghiệp đạt được lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng là VIC (4.068 tỷ đồng); 2 doanh nghiệp đạt được lợi nhuận trên 500 tỷ đồng là: NTL (655 tỷ đồng) và CII (539 tỷ đồng) và 10 doanh nghiệp đạt được lợi nhuận trên 100 tỷ đồng, gồm: KDH (410 tỷ đồng), SSH (361 tỷ đồng), Dịch vụ Hoàng Huy – HoSE: HHS (306 tỷ đồng), DXG (244 tỷ đồng), AGG (240 tỷ đồng), TAL (202 tỷ đồng), PDR (153 tỷ đồng), SJ Group – HoSE: SJS (144 tỷ đồng), BecamexTDC – HoSE: TDC (104 tỷ đồng), CEO (102 tỷ đồng).
Như vậy, tổng cộng có 14 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế vượt mốc 100 tỷ đồng. Trong số này, chỉ có 6 doanh nghiệp miền Nam (CII, KDH, DXG, AGG, PDR, TDC). Xét về quy mô, tổng lợi nhuận của 6 doanh nghiệp miền Nam thua xa 8 doanh nghiệp miền Bắc còn lại.
Mặt khác, có 10/14 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với cùng kỳ; trong đó, chỉ có vỏn vẹn 3 doanh nghiệp miền Nam.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp miền Nam chiếm phần lớn trong số các doanh nghiệp bị suy giảm lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ và có mức suy giảm rất nặng: DIG (-84%), TTC Land – HoSE: SCR (-84%), NLG (-83%), Địa ốc Sài Gòn – HoSE: SGR (-61%), PDR (-62%), KDH (-38%), AGG (-32%), CKG (-23%), HDC (-22%).
Đó là chưa kể, doanh nghiệp miền Nam cũng chiếm đa số trong nhóm doanh nghiệp thua lỗ với những cái tên tiêu biểu như: NVL (-4.377 tỷ đồng), LDG Group – HoSE: LDG (-473 tỷ đồng), DRH Holdings – HoSE: DRH (-80 tỷ đồng), UDEC – UPCoM: UDC (-44 tỷ đồng), Danh Khôi – HNX: NRC (-16 tỷ đồng).
Trong khi đó, doanh nghiệp miền Bắc bị suy giảm lợi nhuận chỉ có: SSH (-71%), VC7 (-60%), VHM (-36%), BVL (-46%), VC3 (8%) và HPX (-4%). Doanh nghiêp thua lỗ chỉ có Long Giang Land – HoSE: LGL (-38 tỷ đồng).
Như vậy có thể thấy, thị trường bất động sản 9 tháng năm 2024 có tính phân hoá theo vùng miền rất sâu sắc, với sự phục hồi đáng kể ở miền Bắc trong khi vẫn yếu ớt ở miền Nam.
Diễn biến thực tế cũng trùng khớp với những thống kê trên, khi trong 9 tháng, các dự án tốp đầu thị trường được triển khai hầu như nằm ở miền Bắc như: Vinhomes Royal Island (Hải Phòng), Vinhomes Global Gate, các dự án thành phần tại Vinhomes Ocean Park 1 – 2 - 3, Vinhomes Smart City (Hà Nội)... Còn tại miền Nam, các dự án lớn nhất gần như nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài, như Gamuda Land, Keppel Land, CapitaLand… trong khi phần đa dự án của doanh nghiệp quốc nội vẫn rất khó khăn.
Dù vậy, với xu hướng đi lên đã được củng cố khá vững chắc, thị trường có thể tin tưởng vào một tương lai sáng sủa hơn với các doanh nghiệp miền Nam, mà nếu sớm, tương lai đó có thể là ngay trong năm 2025.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn