"Nóng" cuộc đua làm bất động sản công nghiệp của loạt đại gia DIC Corp, Phát Đạt, Hà Đô...
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) cho rằng, hiện tại là thời điểm đầu tư khu công nghiệp sinh thái, nếu không "sẽ bị lạc hậu". Vị Chủ tịch cho hé lộ Tập đoàn đang để ý 4 khu đất phát triển khu công nghiệp với quy mô trên dưới 2.000 ha.
"Sai lầm lớn của tôi là chỉ phát triển khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp và làm mất một khoản thu rất lớn", Chủ tịch DIC cho biết.
Qua đó, ngay trong tháng 6, DIC Holdings (Mã DC4), một thành viên của DIC Corp đã hợp tác với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vạn Thương để được ưu tiên làm tổng thầu thi công hạ tầng dự án 400 ha tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Được biết, Tập đoàn DIC Holdings có hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển đô thị và du lịch, được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại các tỉnh thành như DIC Đại Phước Đồng Nai, khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), khu đô thị du lịch Long Tân (Đồng Nai)...
CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (Mã PDR) cũng có chiến lược quay trở lại đường đua bất động sản công nghiệp. Trong năm nay doanh nghiệp dự kiến hoàn thành hồ sơ pháp lý xin chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 400 ha ở Quảng Ngãi. Ngoài ra Phát Đạt đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội với quỹ đất sạch ở một số địa phương.
Năm 2020, chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Nhơn Hội New City đã lấn sân sang mảng bất động sản công nghiệp bằng việc lập CTCP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI) với vốn 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phát Đạt đã bán mảng khu công nghiệp cho công ty chủ tịch khi thực hiện tái cơ cấu tài chính vào cuối năm ngoái.
"Nếu đấu thầu thành công một số dự án tới đây, công ty sẽ tiếp tục chuyển hướng đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp", Chủ tịch HĐQT Phát Đạt chia sẻ tại ĐHĐCĐ vừa qua.
Không nằm ngoài cuộc đua, Tập đoàn Hà Đô (Mã HDG) cũng tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, mở đầu tại Ninh Thuận. Đầu năm nay, doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư 2 cụm công nghiệp 100 ha gần khu công nghiệp Cà Ná, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế biến, chế tạo. Trước đó, Lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cũng từng nhận định bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực phát triển trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2025-2030.
Ngoài thế mạnh phát triển nhà ở, CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền(Mã KDH) cũng góp phần làm nóng đường đua làm bất động sản công nghiệp với dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân tại TP HCM. Đại diện doanh nghiệp cho biết đang hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu công nghiệp đủ điều kiện đưa vào kinh doanh từ năm sau.
Trước đây, các chuyên gia đều đánh giá và nhận định bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam vì thị trường còn nhiều dư địa phát triển. Trong đó, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam từng đánh giá, bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng thời gian tới, khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo CBRE, đất công nghiệp cho thuê hiện có tỷ lệ lấp đầy gần như 100%. Tại các thị trường cấp 1 như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên... gần như không còn đất cho thuê. Thay vào đó, các thị trường cấp 2 như Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên... dần trở thành những điểm hấp dẫn với quỹ đất còn nhiều và giá thành rẻ.
CBRE kỳ vọng giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, với tốc độ khoảng 5-9%/năm tại khu vực phía Bắc và 3-7% tại phía Nam. Ngoài ra, bà Dung cho rằng, sản phẩm nhà xưởng cho thuê sẽ phát triển mạnh cùng sự cải thiện của lĩnh vực logistics. Với nhu cầu cao, giúp nhà đầu tư nước ngoài giảm thời gian tìm đất và lo giấy phép, đây đang là sản phẩm hấp dẫn, tỷ lệ lấp đầy cũng lên tới 80%. Mức giá cho thuê cũng tăng liên tục.
Đồng quan điểm, ông John Campbell, Phó giám đốc bộ phận Dịch vụ công Nghiệp, Savills TP. HCM, cho biết bất động sản công nghiệp vẫn đang duy trì tỷ lệ lấp đầy tốt, giá thuê liên tục tăng thời gian qua. Báo cáo của Savills chỉ ra các khu công nghiệp trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% còn phía Nam đạt 91%.
Trong quý 1, giá thuê khu công nghiệp tại phía Bắc đạt trung bình 138 USD/m2 mỗi chu kỳ thuê, tăng đến 30% so với năm ngoái. Còn ở các tỉnh thành công nghiệp lớn phía Nam, giá thuê tăng từ 152 USD (năm ngoái) lên 174 USD/m2. Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM có tỷ lệ lấp đầy rất cao, lần lượt là 99%, 96% và 95%.
Cũng theo ông John Campbell, sức hút của Việt Nam duy trì nhờ sự tham gia tích cực vào các Hiệp định Thương mại tự do cùng với lợi thế về lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, môi trường kinh doanh ổn định, vị trí địa lý thuận tiện. Do đó bất động sản công nghiệp được nhiều doanh nghiệp trong và nước ngoài săn đón là điều dễ hiểu.
Dẫn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), ông Nguyễn Văn Đính cho biết, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm cả nước những năm gần đây. Bất động sản công nghiệp duy trì vị thế dẫn đầu thị trường thời gian qua, bất chấp phần lớn phân khúc khác rơi vào cảnh ảm đạm. Loại hình này có cơ hội bùng nổ bởi Việt Nam đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
"Cuộc đua sẽ tiếp tục nóng trong năm nay bởi bất động sản công nghiệp đang là phân khúc "ngôi sao" của thị trường", Chủ tịch VARS nhận định.
Xem thêm tại cafef.vn