Nông nghiệp 4.0: Dữ liệu dẫn đường cho dòng vốn thông minh
Thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách chỉ ra hơn 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này so với tổng số gần 900.000 doanh nghiệp trên cả nước, cho thấy bức tranh còn nhiều “gam màu trầm.”
Giải pháp nằm ở đâu để thu hút thêm dòng vốn, công nghệ và nguồn lực cho ngành nông nghiệp? Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững do Viện Quản trị Chính sách phối hợp cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21/12, đã chỉ ra liên kết dữ liệu đang nổi lên như một xu hướng mới, một tầm nhìn chiến lược, hứa hẹn mở ra những cơ hội phát triển đột phá cho vấn đề này.
Một trong những nút thắt lớn cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước chính là sự thiếu hụt vốn. Đến nay, các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mặc dù được nhìn nhận là mô hình hiệu quả song vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng do thiếu hụt nguồn lực tài chính.
Hạn mức 50 triệu EUR từ AFD đem đến cho khách hàng của BIDV cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tài trợ ưu đãi từ nước ngoài để đầu tư vào các dự án xanh.
Theo đó, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách đồng thời là Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, nhấn mạnh vai trò then chốt của vốn tín dụng ngân hàng và cho rằng đây là yếu tố sống còn đối với sự thành công của các chuỗi liên kết.
“Để phát triển và tạo các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực có tính chất mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như ngành nông nghiệp," bà Nga khẳng định.
Tuy nhiên, việc thiếu thông tin minh bạch, kịp thời về các doanh nghiệp nông nghiệp đang là một rào cản lớn đối với việc tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, việc liên kết dữ liệu được thực hiện có thể tạo ra sự khác biệt.
Mô hình liên kết “Chính quyền-viện nghiên cứu-doanh nghiệp-nhà nông” đã được các chuyên gia đưa ra với những kỳ vọng tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Bởi, sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan chính là mấu chốt để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở việc kết nối thông tin, liên kết dữ liệu giữa “bốn nhà” còn mở ra "cánh cửa" cho tín dụng xanh - một xu hướng tài chính toàn cầu đang được nhiều quốc gia quan tâm.
Trên thị trường, tín dụng xanh đang tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng công nghệ sạch. Đây là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng bền vững của nông nghiệp.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và trong nước là Ngân hàng Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã tiên phong xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội cho các dự án và đối tác vay vốn, khách hàng.
VietinBank đã tích cực đáp ứng vốn phát triển nông nghiệp, thiết kế rất nhiều sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đã chủ động xây dựng các chính sách, sản phẩm để tạo cơ chế linh hoạt trong việc tài trợ phát triển bền vững trong các lĩnh vực (như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững, nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, xử lý chất thải và chống ô nhiễm).
Tại Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Để đạt mục tiêu này, bà Lê Nguyễn Thiên Nga đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên trong bối cảnh chuyển đổi số và liên thông dữ liệu quốc gia.
Một cơ sở dữ liệu được liên kết chặt chẽ giữa các ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp nông nghiệp (hoặc các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực nông thôn) có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, giao lưu và đối thoại với các tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp có thể truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… thông qua các kênh truyền thông, từ đó giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ ra dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới, là yếu tố quan trọng mang tính quyết định.
“Hiện, ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, thống kê, phân tích, dự báo phục vụ chỉ đạo, điều hành và hoạch định chiến lược của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, liên kết dữ liệu giúp các ngân hàng thương mại không chỉ xác thực, định danh khách hàng mà còn nâng cao khả năng phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng. Từ đó, các ngân hàng đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động,” ông Dũng chia sẻ.
Bà Nga cho biết Chiến lược dữ liệu Quốc gia đã thu nhận những ý kiến của các chủ thể đóng góp quan trọng cho nền nông nghiệp quốc gia để đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp.
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia với sự tham gia đóng góp ý kiến từ nhiều chủ thể quan trọng của nền nông nghiệp, đang dần hoàn thiện, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Việc kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng cho việc tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Hơn nữa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự lên ngôi của Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây, đang tạo ra những cơ hội chưa từng có cho nông nghiệp. Ngoài ra, việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số với mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cũng sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số và đặc biệt là cho một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, để liên kết dữ liệu thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Bà Lê Nguyễn Thiên Nga khuyến nghị cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, tiếp cận thông tin và nguồn vốn. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó giúp họ trở thành những chủ thể tích cực trong quá trình này. Chỉ khi đó, liên kết dữ liệu mới thực sự trở thành “chìa khóa” mở cửa dòng vốn, công nghệ và kiến thức, đưa ngành nông nghiệp Việt bước lên một tầm cao mới./.
Xem thêm tại vietnamplus.vn