Nóng: Novaland được cấp margin trở lại, 25 trái chủ đồng ý đổi khoản nợ 7.000 tỷ đồng lấy cổ phiếu NVL
Cuối ngày 3/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý 2/2024. Trong đó, nhiều cổ phiếu "hot" như FRT, HBC, HAG, HVN, CRE, POM,… vẫn chưa được cấp margin trở lại.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu không được margin chủ yếu do: Lỗ kiểm toán năm 2023; BCTC kiểm toán năm 2023 có ý kiến không phải ý kiến chấp thuận toàn phần của đơn vị kiểm toán; chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo/kiểm soát/hạn chế giao dịch/đình chỉ giao dịch/chứng khoán có khả năng bị hủy niêm yết; thời gian niêm yết dưới 6 tháng,...
Đáng chú ý, danh sách trên đã không còn xuất hiện cổ phiếu NVL của Novaland. Trước đó, cổ phiếu này đã bị HoSE cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán bán niên 2023 là số âm. Tuy nhiên, Novaland đã khắc phục được tình trạng này sau khi công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023.
Trong BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023, Novaland lãi ròng 485,9 tỷ đồng, giảm 198,9 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Theo công ty kiểm toán PwC (đơn vị kiểm toán BCTC Novaland), việc phát sinh chênh lệch lợi nhuận chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại công ty liên kết. Ban lãnh đạo Novaland cho biết động thái này được thực hiện "trên quan điểm thận trọng" và khoản trích lập dự phòng sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.
Như vậy, với số liệu sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Novaland giảm 78% so với năm 2022 nhưng vẫn cao gấp 2,3 lần kế hoạch đề ra. Lãi ròng (lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ) đạt gần 606 tỷ đồng, cũng giảm 72% so với năm 2022 nhưng đủ để đưa cổ phiếu NVL ra khỏi danh sách không được giao dịch ký quỹ.
Trong BCTC kiểm toán năm 2023, PwC không có ý kiến ngoại trừ nhưng vẫn lưu ý rằng khả năng hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn và thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Về lưu ý này, ban lãnh đạo Novaland cho biết tiếp tục nhiều giải pháp để khắc phục. Công ty đang triển khai nhiều dự án trọng điểm; tái cấu trúc khoản nợ vay và trái phiếu; gia hạn nợ, hoán đổi nợ hoặc khoản phải trả với sản phẩm bất động sản; làm việc với ngân hàng để huy động vốn tín dụng triển khai xây dựng dự án. Ngoài ra, Novaland cũng thực hiện giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng, tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn.
Trong một diễn biến liên quan, Novaland vừa công bố thông tin liên quan đến việc đề xuất tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 300 triệu USD với lãi suất 5,25% và đáo hạn năm 2026 được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông (cổ phiếu NVL).
Theo đó, Novaland cho biết đa số các trái chủ tham gia thỏa thuận đã bỏ phiếu hợp lệ đồng thuận với thỏa thuận dàn xếp, và toàn bộ dư nợ trái phiếu được xác nhận của nhóm này đạt ít nhất 3/4 tổng dư nợ trái phiếu được xác nhận của tất cả trái chủ tham gia thỏa thuận đã bỏ phiếu.
Tổng số trái chủ tham gia thỏa thuận phản hồi đề nghị bỏ phiếu là 25. Tất cả các lá phiếu của họ là hợp lệ và được thống kê trong bảng kết quả bỏ phiếu ở trên dư nợ trái phiếu tối đa của trái chủ tham gia thỏa thuận có quyền bỏ phiếu cho thoả thuận dàn xếp là 298,6 triệu USD. Trong đó, tổng dư nợ trái phiếu của trái chủ tham gia thỏa thuận đã bỏ phiếu cho thoả thuận dàn xếp là 284 triệu USD (hay 95,11% của dư nợ trái phiếu tối đa).
Trên thị trường, cổ phiếu NVL đang dừng ở mức 17.200 đồng/cp, tương đương thời điểm đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng vào khoảng 33.500 tỷ đồng.
Xem thêm tại cafef.vn