Nữ Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm rời ghế 'sếp phó' VietBank

Sở hữu gần 12% vốn VietBank

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - mã chứng khoán: VBB) vừa có thông báo về việc miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với bà Trần Thị Lâm theo nguyện vọng cá nhân.

Theo đó, bà Trần Thị Lâm không còn là Phó Tổng Giám đốc của Vietbank kể từ ngày 26/3. Bà Lâm được Hội đồng quản trị VietBank bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này từ ngày 19/5/2023.

Với quyết định miễn nhiệm trên, Ban Điều hành VietBank hiện còn lại 6 người, trong đó bà Trần Tuấn Anh giữ chức Tổng Giám đốc VietBank.

Nữ Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm rời ghế 'sếp phó' VietBank ảnh 1

Bà Trần Thị Lâm.

Vào năm 2006, bà Lâm là một trong những cổ đông sáng lập ngân hàng Vietbank với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Những cổ đông sáng lập ban đầu của VietBank đều là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.

Từ năm 2006 - 2021, ông Dương Ngọc Hòa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Lâm (chồng bà Lâm) - làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank. Tháng 4/2021, con trai bà Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank.

Vào ngày 20/3, ông Nguyên đã thực hiện quyền mua hơn 4,8 triệu cổ phiếu VBB, nâng số cổ phiếu VBB đang nắm giữ lên gần 28 triệu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,83% vốn điều lệ VietBank. Hiện ông Nguyên và các thành viên trong gia đình sở hữu tổng cộng 11,75% vốn VietBank.

Trong thời gian từ 6/12/2018 - 6/1/2019, dù đang thụ án nhưng ông Nguyễn Đức Kiên đã bán ra toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại VietBank, tương đương với 2,035% vốn điều lệ.

Sau khi bầu Kiên bán cổ phần, nhóm nữ đại gia Trần Thị Lâm và Tập đoàn Hoa Lâm xuất hiện rõ nét hơn tại VietBank.

Trần Thị Lâm là ai?

Bà Trần Thị Lâm sinh năm 1959 tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Bà tốt nghiệp cử nhân tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà bắt đầu theo học đại học ở tuổi 64 và tốt nghiệp năm 67 tuổi. Bà Lâm có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác quản trị và điều hành.

Ngoài chức vụ tại Vietbank, bà Lâm còn là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm và tham gia sáng lập Bệnh viện Quốc tế CIH, Bệnh viện Gia An 115…

Năm 1993, bà Lâm cùng chồng là ông Dương Ngọc Hòa thành lập Tập đoàn Hoa Lâm với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên. Đây là một trong những tập đoàn hoạt động đa ngành nghề và lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bất động sản, y tế…

Nữ Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm rời ghế 'sếp phó' VietBank ảnh 2

Tòa nhà Lim Tower 1 liên quan đến Hoa Lâm là 1 trong 3 khu đất vàng mà cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến dính sai phạm tại quận 1, TPHCM.

Giai đoạn ban đầu từ 1999-2004, Hoa Lâm gắn liền với mảng sản xuất và kinh doanh xe gắn máy với thương hiệu là Halim, sau đó thành lập liên doanh Hoa Lâm - Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco.

Năm 2008, Hoa Lâm được giao 37,5 ha đất tại quận Bình Tân, TPHCM để xây dựng thành phố y tế với 6 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm dịch vụ đi kèm phục vụ khu này. Từ đó, Khu Y tế kỹ thuật cao ra đời với liên doanh Hoa Lâm - Shangri La được thành lập có tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Hiện nay, trên khu đất này, Bệnh viện Quốc tế City và Bệnh viện Gia An 115 đã được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Đầu những năm 2010, Hoa Lâm cũng tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản. Tháng 7/2013, Hoa Lâm khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà Lim Tower 1 gồm 34 tầng tại 9 - 11 Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM). Tháng 9/2015, tòa nhà Lim Tower 2 cũng đưa vào sử dụng với 18 tầng, tọa lạc tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM).

Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Lâm còn làm chủ đầu tư và xây dựng nhiều dự án khác, như tòa nhà Vietbank, dự án Khu dân cư 2 - 3 - 4 Phường Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức, TPHCM)…

Xem thêm tại tienphong.vn