Nửa cuối năm 2024 sẽ là giai đoạn thuận lợi cho chứng khoán

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”.

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) dự báo vấn đề rủi ro tỷ giá sẽ giảm thiểu sau các bước can thiệp hợp lý vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước. 

Dù sẽ vẫn có thể xuất hiện đâu đó những áp lực nhất định lên tỷ giá do sự trì hoãn hạ lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu nhập khẩu gia tăng, điều quan trọng hơn, theo ông Huy, Fed và các NHTW đã ở cuối chu kỳ tăng lãi suất và vấn đề hiện nay chỉ là thời điểm. 

Về yếu tố lạm phát, Giám đốc Đầu tư của SSIAM cũng cho rằng lạm phát sẽ không đáng quan ngại nếu không có yếu tố địa chính trị đặc biệt xảy ra. Với nền tảng tỷ giá và lạm phát trên, sẽ khó có lý do để tăng lãi suất, nhất là khi càng gần hơn thời điểm Fed hạ lãi suất. Ngay ở trường hợp tăng, lãi suất vẫn ở mức thấp trong nhiều năm.

“Lãi suất luôn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến thị trường chứng khoán, quyết định phân bổ dòng vốn vào các kênh đầu tư cũng như quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi tin tưởng môi trường lãi suất thấp khi liên tục hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp tăng trưởng. Dòng vốn nội có thể quay trở lại nhiều hơn khi nhà đầu tư nhận thấy lãi suất khó có cửa tăng nhiều”.

Ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) 

Ông Huy cũng cho biết yếu tố quan trọng nhất đang quan tâm là khả năng phục hồi của nền kinh tế. Với môi trường vĩ mô hiện tại, các doanh nghiệp nhiều ngành nghề sẽ có tăng trưởng tích cực hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng là tín hiệu đầu tiên phản ánh, bởi nhóm sản xuất công nghiệp hồi phục còn kéo theo sau là sự hồi phục của thu nhập người lao động cũng như sức cầu tiêu thụ.

Không chỉ từ các số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trao đổi trực tiếp của SSIAM với doanh nghiệp từ nhiều ngành cũng cho thấy sự “ấm lên” của số lượng đơn hàng, từ đó phục hồi nhu cầu sản xuất và xa hơn sẽ là sức cầu nội địa của nền kinh tế.

Cùng quan điểm với đại diện SSIAM, ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam đồng tình rằng các NHTW đã ở cuối chu kỳ tăng lãi suất sau thời gian dài chiến đấu với lạm phát. Tại các nền kinh tế lớn trên thế giới, vấn đề quan trọng được đặt ra là làm sao để duy trì kinh tế mạnh. Sau giai đoạn sử dụng công cụ lãi suất để ổn định tỷ giá, ông Lộc kỳ vọng Việt Nam cũng sẽ sớm trở lại hỗ trợ cho tăng trưởng.

“Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, điều quan trọng nhất cần quan sát là lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng tôi theo dõi các chỉ số không phải nhiều người hay nhìn như sản lượng điện, lưu lượng hàng hóa, container ra vào cảng, hoá đơn mua bán tại chuỗi bán lẻ… và nhận thấy sự hồi phục đã diễn ra vào cuối quý III/2024, dù còn chậm chạp. Đến hiện tại, các bên đều thống nhất nền kinh tế đã vào quá trình phục hồi”, ông Lộc cho hay. Theo ước tính trên top 80 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I là 15%, đến từ tất cả các ngành nghề.

Ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam. 

Ông Lộc kỳ vọng đà hồi phục sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến hết năm 2024. Cùng đó, áp lực tỷ giá sẽ lắng bớt vào quý III, đầu quý IV. Kết hợp đó, nhà đầu tư cũng sẽ thấy được con số tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đây sẽ là giai đoạn rất thuận lợi cho chứng khoán. Đại diện SSIAM cũng đánh giá môi hiện nay lý tưởng cho kênh đầu tư chứng khoán. Thậm chí, đây sẽ là kênh đi đầu trong quá trình phục hồi, có thể còn nhanh hơn bất động sản.

Tiết lộ về cơ cấu danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại, điểm chung trong danh mục của SSIAM và Dragon Capital Việt Nam là đều có cổ phiếu ngân hàng - vốn cũng là ngành chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam và cổ phiếu ngành công nghệ. IT được đánh giá là ngành bền vững nhiều năm tới và ít mang tính chu kỳ.

Trong khi quy mô của quỹ ảnh hưởng đến khả năng đi tiền, danh mục đầu tư của các cá nhân có nhiều lựa chọn hơn. Gợi ý về chiến lược đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân, theo ông Huy, sẽ có nhiều cơ hội ở nhóm ngành khác thêm trong 6 tháng tới một năm tới, như nhóm chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Nhóm doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu (dệt may, gỗ, đá, thuỷ sản…) đang phục hồi về đơn hàng và tương lai giá sẽ được cải thiện. Phù hợp với khẩu vị rủi ro an toàn hơn, nhóm tiêu dùng thiết yếu là nhóm chưa tăng nhiều nhưng đã có dấu hiệu tốt hơn về kết quả kinh doanh trong 1-2 tháng gần đây.

Đại diện Dragon Capital Việt Nam gợi ý nhà đầu tư có thể tập trung vào nhóm ngành kỳ vọng có tăng trưởng nhiều nhất như nhóm doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hoặc kỳ vọng có sự tăng trưởng ổn định như nhóm ngân hàng.

Xem thêm tại baodautu.vn