Nửa cuối năm, thủy sản sẽ tiếp tục khó khăn
Xuất khẩu thủy sản trong năm tháng đầu năm nay đạt gần 3,55 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn 24% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Trong đó, xuất khẩu hai mặt hàng chính là tôm và cá tra tăng nhẹ lần lượt 7% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
Sự hồi phục của thủy sản đang chậm hơn nhiều so với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như rau quả, cà phê, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ…
Mức tăng trưởng 5% của ngành thủy sản chỉ bằng 1/3 so với mức tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu trên cả nước.
Trong top 5 thị trường hàng đầu của thủy sản Việt, chỉ Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng tích cực với hơn 7%. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ghi nhận sự hồi phục nhẹ, nhưng kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản vẫn có sự phân hóa.
Trong khi các doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu tôm đều tăng trưởng trở lại như Thực phẩm Sao Ta và Camimex Group cùng có lãi ròng tăng 14%; Thủy sản Minh Phú từ lỗ cùng kỳ 97 tỷ đồng, đã quay lại lãi 7 tỷ đồng trong quý đầu năm nay thì các doanh nghiệp cá tra lại có kết quả kém khả quan. Trong số này có CTCP Nam Việt giảm lãi ròng tới 82% so với cùng kỳ năm trước; Cá tra Vĩnh Hoàn báo lãi sụt 23%; CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia – IDI giảm lãi 6%.
Điều này là do giá bán cá tra bình quân không có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ và so với quý trước, đồng thời nhu cầu yếu tại thị trường lớn như Trung Quốc.
Lý giải về tình trạng này tại hội nghị toàn thể hội viên năm 2024 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch hội, đánh giá, ngoài những vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên.
Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, tình hình nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến khả năng thích nghi sinh trưởng và phát triển, làm suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ dịch bệnh dẫn đến hiệu quả nuôi kém.
Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng, phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.
Bà Sắc dự báo, trong quý II và thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cũng nhìn nhận, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Với ngành tôm, các thách thức là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ. Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan.
Chẳng hạn, tôm thẻ chân trắng cỡ 70 con/kg tại đầm của Việt Nam trong năm nay đang cao hơn khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tôm cùng cỡ của Thái Lan, cao hơn 20.000 - 30.000 đồng/kg so với tôm Ấn Độ và cao hơn 30.0000 - 35.000 đồng/kg so với tôm Ecuador.
Với ngành cá tra, giá xuất khẩu vẫn đang thấp. Thị trường EU tiêu thụ rất chậm và khó khăn, thị trường Trung Quốc không ổn định.
Còn ở thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá đang bước vào giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 20. Trong khi đó, "thẻ vàng" IUU vẫn đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp hải sản.
Xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.
Theo bà Sắc, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường.
Xem thêm tại theleader.vn