Nửa đầu năm 2024, 19 tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đầu tư 66.960 tỷ đồng

Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đến hết tháng 6/2024 ước đạt 66.960 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch năm và bằng 120% so với cùng kỳ năm trước. Một số dự án lớn, trọng điểm tính đến hết tháng 6/2024 có giá trị thực hiện đầu tư cao so với kế hoạch năm 2024. Cụ thể:

Trong lĩnh vực năng lượng: dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (đạt khoảng 40,09%), dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 41,64%); dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 43%); chuỗi dự án điện - khí lô B (đạt khoảng 14,47%); các dự án đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa, đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dự kiến hoàn thành trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Trong lĩnh vực giao thông, hàng không: dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đạt khoảng 24,1%); dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng (đạt khoảng 14,91%); dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (đạt khoảng 20%); dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (đạt khoảng 26,06%); dự án thành phần 3 - dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1: giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 8,45% (tuy nhiên, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 32,8%).

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ cụ thể về công tác đầu tư, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Tổng công ty đã thực hiện các bước cân đối nguồn lực, kiện toàn bộ máy, phương thức làm việc để quá trình quản lý, đôn đốc các dự án quan trọng được đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), công tác đầu tư cũng được Petrovietnam ưu tiên đẩy mạnh, giá trị giải ngân đầu tư 6 tháng đầu năm ước đạt 15,55 nghìn tỷ đồng, tăng 81,3% so với thực hiện năm 2023.

Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng tập trung vào việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm - dự án khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi với tổng diện tích 2.809 ha tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Gia Lai; tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai, hoạt động về cao su, chế biến gỗ, khu công nghiệp...

Nhưng cũng theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Vì thế, trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn