Nửa đầu năm 2024 của NVL, DIG, CEO, DXG: Doanh nghiệp trong cuộc, cổ đông trong kẹt

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nửa chặng đường của năm 2024 nhờ sự hồi phục của VN-Index với mức tăng 112 điểm tương ứng 9,3%. Nhiều cổ phiếu theo đó cũng ghi nhận mức tăng tích cực cùng thị trường chung.

Nổi bật trong nhóm bất động sản là cổ phiếu NTL của Nhà Từ Liêm (Lideco) với mức tăng hơn 90% chỉ trong 6 tháng đầu năm. Hay như mã TCH của Tài chính Hoàng Huy ghi nhận mức sinh lời hơn 45% trong danh mục đầu tư.

Trái ngược với diễn biến khả quan của thị trường, 4 mã cổ phiếu DIG, CEO, NVL, DXG từng “làm mưa làm gió” trên thị trường vẫn đang “giậm chân tại chỗ” trong 6 tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cảm thấy ức chế.

Novaland (NVL) là cái tên được nhiều chứng sỹ quan tâm bởi các câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu. Sau chặng đường tái cấu trúc cùng với các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, Novaland từng bước phục hồi với nhiều dự án đang được triển khai trở lại như dự án Aqua City, dự án NovaWorld Phan Thiet, dự án NovaWorld Ho Tram và một số bất động sản tại TP. HCM.

Mặc dù khó khăn đang dần tháo gỡ, tuy nhiên nhà đầu tư không còn "mặn mà" với giá cổ phiếu. Minh chứng cho thấy thanh khoản cổ phiếu NVL cũng đang cạn kiệt, khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên chỉ đạt hơn 9,9 triệu đơn vị - thấp hơn 3 lần so với thời điểm một năm trước.

Cùng với đó, diễn biến giá cổ phiếu cũng gây ức chế cho nhiều nhà đầu tư nắm giữ. Sau hơn 5 tháng vận động sideway quanh vùng 16.x đến 18.x, cổ phiếu “quay xe” giảm mạnh hơn 25% về vùng giá 13.x và đang dò đáy 8 tháng.

Nửa năm 2024 của NVL, DIG, CEO, DXG: Doanh nghiệp trong cuộc, cổ đông mắc kẹt
Giá cổ phiếu NVL tiệm cận vùng đáy lịch sử

Một cái tên khác trong nhóm bất động sản cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư là DIG của DIC Corp. Đáng chú ý, trong quý II/2024, công ty ước tính mang về 160 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 814% so với cùng kỳ.

Theo công ty, kế hoạch mang về lợi nhuận nghìn tỷ năm 2024 của DIG sẽ khả quan dựa vào việc chuyển nhượng sản phẩm tại các dự án: Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, Khu nhà ở Lam Hạ Center Point, Khu đô thị mới DIC Nam Vĩnh Yên City Vĩnh Phúc, Khu đô thị DIC Victory City Hậu Giang…

Dù ghi nhận tình hình kinh doanh chuyển biến tích cực, tuy nhiên giá cổ phiếu DIG vẫn chưa cho thấy sự bứt phá trong thời gian qua. Thị giá đã giảm hơn 17% sau nhịp điều chỉnh của thị trường hồi tháng 4/2024 và vận động sideway quanh vùng giá 26.x - 29.x trong hơn 2 tháng qua.

Đi cùng với diễn biến giá, thanh khoản cổ phiếu ngày càng “teo tóp” với khối lượng trung bình đạt 10,3 triệu đơn vị - thấp hơn 2 lần so với thời điểm một năm trước.

Ngoài ra, giá cổ phiếu CEO trên thị trường ghi nhận diễn biến không mấy khả quan so với thị trường. Vận động tương tự với cổ phiếu Novaland, thị giá đã đi ngang quanh vùng 21.x đến 24.x trong 5 tháng, sau đó “bốc hơi” hơn 25% về vùng 16.x và đang dò đáy 1 năm.

Ngược chiều, VCBS đánh giá khó khăn của CEO đã qua đi và đang phục hồi trở lại. Đặc biệt, dự án Sonasea Vân Đồn (Quảng Ninh) dự kiến tiếp tục đóng góp gần 10.000 tỷ đồng doanh thu cho công ty trong các năm tới.

Nửa năm 2024 của NVL, DIG, CEO, DXG: Doanh nghiệp trong cuộc, cổ đông mắc kẹt
Giá cổ phiếu CEO đang dò đáy 1 năm

Cùng với diễn biến các cổ phiếu trên, DXG của Tập đoàn Đất Xanh cho thấy dấu hiệu “rút lui” của dòng tiền. Minh chứng là thanh khoản của cổ phiếu ngày càng “heo hút”, đạt trung bình hơn 5 triệu đơn vị giao dịch - thấp hơn 3,6 lần so với thời điểm một năm trước. Theo đó, giá cổ phiếu đã giảm 20% sau nhịp điều chỉnh của thị trường hồi tháng 4/2024 và vận động sideway quanh vùng 15.x - 17.x.

Trái ngược với vận động cổ phiếu, kết quả kinh doanh của DXG có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ dự án Gem Skyworld dự kiến sẽ mang về 10.000 tỷ đồng lợi nhuận cho Đất Xanh sau khi bán hết 1.800 sản phẩm còn lại.

Có thể thấy, bất chấp thị trường chứng khoán phục hồi cùng với việc đón nhận nhiều thông tin tích cực từ tình hình kinh doanh nhưng diễn biến của 4 cổ phiếu bất động sản NVL, DIG, CEO, DXG vẫn chưa có sự bứt phá.

Điều này có thể lý giải khi các doanh nghiệp này còn tiềm ẩn nhiều yếu tố về vấn đề nợ vay, vướng mắc pháp lý dự án hay giải quyết bài toán đầu ra sản phẩm, đặc biệt là sau "cú sốc" của thị trường bất động sản trong giai đoạn 2022-2023.

Chính phủ cùng các cơ quan vẫn đang từng bước gỡ khó cho hoạt động bất động sản với nhiều biện pháp khác nhau. Do đó, những doanh nghiệp này vẫn cần thời gian thích ứng với sự thay đổi về chính sách, tín dụng để có sự chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn