Ồ ạt phát hành trái phiếu, lộ diện 3 ngân hàng huy động 'khủng' nhất
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 10/5/2024, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận trong tháng 5/2024 với tổng giá trị đạt 2.250 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Cổ phần IDTT phát hành 200 tỷ đồng TPDN có kỳ hạn 3 năm, lãi suất là 11%/năm; Công ty Cồ phần Kinh doanh F88 phát hành 50 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm với lãi suất 11,5%/năm và cuối cùng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất được tính 4 kỳ đầu bằng 12,5%/năm.
Riêng trong tháng 4 có 13 đợt phát hành TPDN riêng lẻ, với trị giá gần 14 ngàn tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nhóm ngành Bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. 2 ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4.
Các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. |
Cụ thể, các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành tổng cộng 7,8 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55%. Nhóm doanh nghiệp “họ” Vin gồm VHM, VIC huy động 6 ngàn tỷ đồng. Riêng VHM có tháng thứ hai liên tiếp vay nợ qua kênh trái phiếu.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu được ghi nhận là 43.979 tỷ đồng, với 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng giá trị phát hành) và 39 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 35.101 tỷ đồng (chiếm 79,8%).
Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4. Đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý 1/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Các ngân hàng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt, đồng thời để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong năm nay.
Theo VMBA, các doanh nghiệp đã mua lại 994 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 38.027 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 44% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 16.713 tỷ đồng).
Hoạt động mua lại trong tháng 4 chủ yếu đến từ nhóm ngành Tổ chức tín dụng. Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước đáo hạn đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với tháng 3 và tương đương 70,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, trái phiếu ngân hàng chiếm đến 95%, với MBB và TCB là các đơn vị đang tăng cường thực hiện hoạt động này. Đây cũng chính là các ngân hàng đã phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 4. Việc mua lại trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm sau và phát hành trái phiếu mới giúp ngân hàng cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn, đặc biệt là vốn cấp 2 được tính vào tỷ lệ an toàn vốn (đối với ngân hàng MBB phát hành trái phiếu mới kỳ hạn 5 năm trở lên).
Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 176.070 tỷ đồng. 42% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 73.132 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 34.497 tỷ đồng (chiếm 20%).
Một số ngân hàng có kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới gồm: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 đợt 1 với tổng giá trị tối đa 9.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm và 8 năm.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn